Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững

Thứ Năm, 09:35 ngày 23/11/2023

Ngày 22/11/2023, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương ven biển tổ chức Tọa đàm “Vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững”.

Mặt hàng thủy sản hiện đóng góp 25% GDP của ngành nông nghiệp

Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) mặt hàng thủy sản của Việt Nam hiện đóng góp 25% GDP của ngành nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu thủy sản xếp thứ 3 trên thế giới và đứng thứ tư về sản lượng. Vùng biển của Việt Nam có 1.385 loài thủy sản (614 giống, 237 họ, 47 bộ), trong đó có 25 loài thủy sản thuộc diện nguy cấp, quý hiếm, do khai thác nhiều nên nguồn lợi thủy sản bị suy giảm mạnh.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, Việt Nam là một quốc gia ven biển có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế thủy sản. Đến năm 2022, ngành thủy sản đã đạt sản lượng trên 9 triệu tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 5,2 triệu tấn, sản lượng khai thác đat 3,8 triệu tấn). Hiện nay, cả nước có hơn 86.000 tàu, thuyền khai thác thủy sản, 83 cảng cá, 7.500 cơ sở nuôi biển, 76 khu neo đậu, tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động.
Trong thời gian tới, để phát triển ngành thủy sản bền vững, cần cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên xây dựng hệ sinh thái ngành hàng gồm có quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân; giúp người dân tìm sinh kế cho phù hợp với điều kiện thực tế, chuyển từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản và có thu nhập ổn định từ nuôi trồng thủy sản,… ông Trần Đình Luân chia sẻ.
Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, muốn ngành thủy sản phát triển bền vững, gỡ được "thẻ vàng" của EC không chỉ có sự vào cuộc của Bộ Nông nghiệp và PTNT mà cần sự chung tay của các Bộ, ngành và địa phương. Việc ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU là hoạt động trước mắt, còn mục tiêu lâu dài là bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước, vì thế hệ tương lai. Do đó, chúng ta phải tái cấu trúc lại ngành hàng, đưa ngư dân vào hoạt động theo một quỹ đạo thống nhất.  
“Muốn người dân chủ động chuyển đổi ngành nghề để giảm khai thác thì phải tích cực đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tập trung nguồn lực giải quyết những trăn trở đó. Khi người dân tự giác, nhận thức đầy đủ được việc chuyển đổi ngành nghề là việc làm có ý nghĩa, trong khi sinh kế, cuộc sống vẫn được đảm bảo thì mục tiêu phát triển thủy sản bền vững mới có thể thành công”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

B.Nhi (t/h)

 

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!