Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Tăng sản lượng nuôi trồng, giảm sản lượng khai thác thủy sản để phát triển bền vững

Thứ Tư, 15:15 ngày 03/07/2024

Sáng ngày 3/7/2024, tại Hà Nội, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến dự và chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản Nhữ Văn Cẩn cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng của biến động thế giới về chính trị, kinh tế, xã hội và xung đột Nga - Ukraine; giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu ở mức cao, chi phí logistic cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất thủy sản; việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành; việc tổ chức liên kết trong khai thác và nuôi trồng còn hạn chế; tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp; Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản của Việt Nam... nhưng sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm có những tín hiệu tích cực. Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,385 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 1,953 triệu tấn, đạt 55,2% kế hoạch; nuôi trồng thủy sản đạt 2,431 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4,355 tỷ USD, tăng 4,9% cùng kỳ năm 2023 và đạt 45,8% kế hoạch. Diện tích nuôi thủy sản, trong đó nuôi biển khoảng 9,2 triệu m³ lồng (bao gồm: 4 triệu m³ lồng nuôi cá biển; 5,2 triệu m³ lồng nuôi tôm hùm) và 55 nghìn ha nuôi nhuyễn thể. Tổng sản lượng 370,4 nghìn tấn; diện tích nuôi nước lợ khoảng 674,5 nghìn ha; diện tích nuôi cá tra khoảng 3.104 ha; tổng sản lượng khai thác ước khoảng 1,953 triệu tấn...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, 6 tháng đầu năm 2024, ngành thủy sản đã đạt được những thành quả nhất định ở một số lĩnh vực như chế biến xuất khẩu, kiểm soát dịch bệnh, con giống, thức ăn... Bên cạnh đó, sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý trong định hướng phát triển thủy thời gian qua đã khẳng định vị thế ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, muốn chỉ tiêu xuất khẩu đạt 9,5 tỷ USD năm 2024 cần có các giải pháp cụ thể như tăng cường kiểm tra vật tư đầu vào, tăng cường quản lý con giống, tăng sản lượng nuôi thủy sản, giảm sản lượng khai thác; trú trọng phát triển các đối tượng chủ lực như cá tra, tôm sú...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến còn nhấn mạnh đến công tác kiểm tra, rà soát lại số tàu thuyền hiện có, giảm đội tàu khai thác, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế cho người dân ven biển; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm ngăn chặn, kiểm soát những tàu vi phạm trong khai thác hải sản...

                                                                                 L.H

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!