Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi gia cầm

Thứ Sáu, 10:15 ngày 28/04/2023

Ngày 27/4/2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thuỷ cầm lớn thứ hai thế giới. Giai đoạn từ năm 2018 - 2022, đàn gia cầm tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho biết, hiện nay giá bán sản phẩm chăn nuôi thấp hơn giá thành, nguyên nhân do nguyên liệu đầu vào tăng cao, sức sản xuất lớn. Trong khi đó, năm 2022 Việt Nam nhập khẩu gần 34 triệu con gia cầm giống, nên đàn gia cầm tăng nhanh về đầu con, nhưng sức tiêu dùng lại có hạn. Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh, ngành chăn nuôi gia cầm nói riêng, chăn nuôi nói chung đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Sự suy giảm của nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng dẫn đến việc tạm ngừng hoạt động, cắt giảm nhân sự của nhiều doanh nghiệp lớn ảnh hưởng đến sức mua của thị trường sản phẩm chăn nuôi, trong đó có sản phẩm thịt, trứng gia cầm. Thị trường sản phẩm chăn nuôi không ổn định, công tác dự báo chưa theo kịp thực tiễn, giá vật tư đầu vào còn cao; người chăn nuôi thiếu vốn, thiếu đất để đầu tư và phát triển trang trại.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn nhận định: Thị trường tiêu thụ sản phẩm gia cầm hết sức bấp bênh, chưa bao giờ xảy ra tình trạng như hiện nay. Tại nhiều trang trại, gà thịt công nghiệp và gà lông màu phải nuôi quá ngày, rồi để lại làm gà đẻ. Nhiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi đang có nguy cơ phá sản, hàng ngàn cơ sở chăn nuôi phải giảm quy mô sản xuất, thậm chí phải tạm ngừng hoạt động. “Chúng tôi kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành rà soát lại các chính sách hiện có nhằm hỗ trợ thiết thực, kịp thời và dễ thực thi hơn cho người chăn nuôi và doanh nghiệp. Đồng thời cần điều chỉnh, bổ sung đối tượng hỗ trợ; nới lỏng các điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn hỗ trợ. Cần xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ cao hơn cho các doanh nghiệp chăn nuôi”, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn kiến nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, trong bối cảnh khó khăn bủa vây, ngành chăn nuôi gia cầm cần nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng. Đồng thời yêu cầu Cục Chăn nuôi phối hợp với Văn phòng Chính phủ sớm ban hành quyết định hỗ trợ chăn nuôi, với các cơ chế hỗ trợ giống, thức ăn chăn nuôi, chi phí sản xuất để giảm áp lực cho các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

“Về nội lực, phải thừa nhận các giống gia cầm tại Việt Nam năng suất còn thấp khi cạnh tranh với các nước tiên tiến trên thế giới. Với các hiệp định thương mại đã ký kết, ngành chăn nuôi gia cầm cần thích ứng và hội nhập, nên phải xem đâu là lợi thế để phát triển”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ ra 3 vấn đề cần giải quyết, đó là giống, thức ăn chăn nuôi và đất đai. Với các doanh nghiệp ngành chăn nuôi, trong lúc này không nên bi quan, mà hãy tập trung nâng cao năng lực, công nghệ, tập trung xúc tiến thương mại. Cần rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, các chi phí trong chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhằm góp phần giảm chi phí sản xuất, tránh làm mất đi cơ hội trong sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp...

TV

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!