Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Phát triển khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Thứ Năm, 09:30 ngày 09/11/2023

Ngày 8/11/2023, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo đề án “Phát triển khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giai đoạn 2023 - 2030”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến dự và chỉ đạo Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội thảo

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Tốc độ tăng GDP toàn ngành bền vững, ổn định theo chiều hướng tích cực. Năm 2022, GDP nông lâm thủy sản (NLTS) tăng 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây, trong đó nông nghiệp tăng 2,88%; thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%. Chín tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 68,92 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 38,48 tỷ USD (xuất siêu 8,04%, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2022). Toàn ngành phấn đấu năm 2023 xuất khẩu đạt 53-54 tỷ USD.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là một vấn đề quan trọng và được coi như một giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân, giảm phát thải nhà kính bảo vệ môi trường. Mục tiêu Dự thảo đề án “Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giai đoạn 2023 - 2030”, phấn đấu đến năm 2030 trong lĩnh vực trồng trọt sẽ có 60% phụ phẩm được xử lý, 80% phụ phẩm lúa gạo được thu gom và tái sử dụng. Trong chăn nuôi có 60% nông hộ và các trang trại xử lý chất thải; hoàn thiện và áp dụng các quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái sử dụng các phụ phẩm của các mặt hàng nông sản chủ lực…

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nêu rõ: Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chúng ta mới chỉ chú trọng đến tăng năng suất, chưa quan tâm đến lượng dư thừa đầu vào của quá trình sản xuất, chưa quan tâm đến phân bón hữu cơ để bồi dưỡng, tăng kết cấu đất, bảo vệ đa dạng sinh học. Việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và gia tăng chất thải từ chăn nuôi đang đe dọa chất lượng môi trường. Trong nông nghiệp, với một số lĩnh vực chủ đạo như trồng lúa, cây ăn trái, thủy sản và chăn nuôi đã phát thải ra môi trường hàng ngàn tấn chất thải hữu cơ, là nguồn tài nguyên tái tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này chưa được quan tâm tái sử dụng hiệu quả và đúng mục đích, mang lại giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp”.

Dự thảo đề án “Phát triển khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giai đoạn 2023 – 2030” đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các địa phương, đại diện hội và hiệp hội, cũng như các viện, trường... Các đại biểu tập trung góp ý Bộ Nông nghiệp và PTNT cần cụ thể hóa các mục tiêu, khung đánh giá đi từ thực tiễn nông nghiệp Việt Nam; dự thảo Đề án chưa làm nổi bật vai trò của khoa học công nghệ đối với kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. 

Quang cảnh Hội thảo

“Việt Nam đang là một quốc gia có tốc độ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt là tham gia vào các hiệp định thương mại. Hầu hết các Hiệp định này đều có các quy định, thỏa thuận về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phải tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải, chất thải, khí thải. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy Việt Nam tăng tốc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hướng tới nền nông nghiệp tăng trưởng xanh, hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Dự thảo Đề án “Phát triển khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giai đoạn 2023 – 2030” đã được gửi lấy ý kiến các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương trong cả nước. Đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nhận được ý kiến đóng góp của 5 Bộ, ngành; 22 đơn vị trực thuộc Bộ và 47 địa phương, trong đó có 22 địa phương phía Bắc. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Đề án.

Bảo Nhi

 

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!