Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Nông nghiệp tuần hoàn: Bài học thế giới, thực tiễn Việt Nam và cách tiếp cận theo tư duy kinh tế

Thứ Sáu, 12:39 ngày 24/03/2023

Ngày 23/3/2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức buổi họp với chủ đề: “Nông nghiệp tuần hoàn: Bài học thế giới, thực tiễn Việt Nam và cách tiếp cận theo tư duy kinh tế” nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin về nông nghiệp tuần hoàn và cách tiếp cận theo tư duy kinh tế tại Việt Nam.

Toàn cảnh cuộc họp

Báo cáo tổng quan chung về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tại Việt Nam, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, trong lĩnh vực môi trường, kinh tế tuần hoàn giúp giảm nguyên liệu và năng lượng đầu vào. Các tài nguyên trong hệ thống được sử dụng nhiều lần. Các nguồn năng lượng tái tạo trung tính CO2 và chất thải có thể trở thành nguồn dinh dưỡng, tái sử dụng trong tự nhiên. Về lợi ích trong kinh tế, kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiệt hại và tổn thất; giảm chi phí quản lý và kiểm soát chất thải; giảm chi phí từ những quy định về môi trường, thuế, bảo hiểm; giảm chi phí nguyên liệu và năng lượng; giảm thiểu việc sử dụng các nguyên liệu tài nguyên khan hiếm.

“Trong quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ xuất hiện các thị trường mới cho các tài nguyên có giá trị. Từ đó những tài nguyên sẽ đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Ngoài ra, những doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ hấp dẫn và thu hút được nhiều sự đầu tư hơn đến từ việc xây dựng hình ảnh trách nhiệm cũng như tiềm năng thị trường xanh”, TS. Trần Công Thắng phân tích.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện nay tổng sản lượng phế phụ phẩm tại Việt Nam là 156,8 triệu tấn. Từ đó có thể thấy tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp của Việt Nam là vô cùng lớn. Nguồn nguyên liệu này cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Tuy nhiên, việc tận dụng nguồn nguyên liệu quý giá này còn hạn chế. Thống kê cho thấy, tỷ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt mới đạt 52,2%, ngành chăn nuôi là 75,1%, lâm nghiệp 50,2% và thủy sản 90%. Tỷ lệ thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo giá trị gia tăng còn thấp khi chỉ mới tận dụng được 43% chất thải chăn nuôi, 33,2% chất thải chế biến thực vật.

Cuộc họp đã được nghe các nội dung về kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, Viện Chăn nuôi trình bày. Chuyên đề về kinh tế tuần hoàn dựa trên phụ phẩm lúa gạo do Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế trình bày. Chuyên đề kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho nông nghiệp Việt Nam do Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn trình bày…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, hiện nay việc tiếp cận vấn đề phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại nước ta còn chậm. Chúng ta cũng chưa nhìn ra giá trị và chưa có lộ trình để hiện thực hóa xu thế mà kinh tế tuần hoàn mang lại cho nền nông nghiệp.

Cần xác định kinh tế tuần hoàn là lời giải cho phát triển bền vững, là kinh tế chủ đạo, xu thế trong tương lai. Để tiếp cận và giải quyết vấn đề, trước tiên cần phải xác định được đối tượng mà vấn đề đang hướng đến. Cụ thể trong vấn đề này, cần phải tiếp cận với tư duy hướng dẫn người dân phát triển nông nghiệp tuần hoàn để chính nông nghiệp tuần hoàn quay lại phục vụ người dân. Hay nói cách khác, cần tìm không gian riêng, lối đi riêng và phù hợp cho phát triển nông nghiệp tuần hoàn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, hiện nay một trong những rào cản lớn để phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến từ tư duy và nhận thức. Từ trước đến nay chúng ta vẫn gọi là phế phụ phẩm trong nông nghiệp. Ngay từ tên gọi đã thể hiện chúng ta chưa coi trọng đúng mức vấn đề này. Vì vậy không nên gọi là phế phụ phẩm mà phải coi đó là nguyên liệu để tái sử dụng trong nông nghiệp. “Nông nghiệp tuần hoàn phải hướng đến nhiều giá trị khác. Sản xuất nông nghiệp không chỉ tạo ra lương thực, thực phẩm mà phải mang lại những sản phẩm khác mang lại giá trị khác đến từ những ngành công nghiệp khác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

VT

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!