Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Ngành nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây

Thứ Sáu, 18:45 ngày 29/12/2023

Chiều ngày 29/12/2023, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Họp báo thông tin về kết quả công tác năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến dự và chủ trì cuộc họp báo.

Quang cảnh buổi họp báo

Năm 2023, ngành nông nghiệp thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản... Tuy nhiên, với sự thống nhất từ nhận thức đến hành động và việc tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh từ “tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành”... vì vậy, toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Văn Việt chia sẻ, năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%, gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%. Sáu mặt hàng trên 3 tỷ USD: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%; hạt điều 3,63 tỷ USD, tăng 17,6%; cà phê 4,18 tỷ USD, tăng 3,1%; tôm 3,38 tỷ USD, giảm 21,7%; gỗ và sản phẩm gỗ 13,37 tỷ USD, giảm 16,5%.

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản, song giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) tăng cao, ước đạt 3,83%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.

Cũng trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế (Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival bảo tồn và phát triển làng nghề, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống thiên tai...), qua đó giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông lâm thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản; nhất là việc phát động thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Năm 2024 dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; mưa lũ diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước nặng nề do tác động của El Nino…; đặc biệt là tác động từ xung đột, bất ổn của thế giới. Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp và PTNT vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0-3,5%; trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng 2,0-2,2%; chăn nuôi là 4,0-5,0%; thủy sản là 3,7-4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54-55 tỷ USD. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%, nâng cao chất lượng rừng; tốc độ tăng giá trị sản xuất của lâm nghiệp là 5,0-5,5%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 58%. Tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM 82%.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại cuộc họp báo

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra năm 2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp như: đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

"Ngành nông nghiệp tiếp tục chú trọng phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, bảo đảm chất lượng và bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Lê Huy

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!