Năm 2023 xuất khẩu thủy sản ước đạt 9,2 tỷ USD
Ngày 21/12/2023, tại Hà Nội, Cục Thủy sản tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến dự và chủ trì Hội nghị.
Năm 2023 ngành thủy sản cơ bản đạt được mục tiêu đề ra
Theo báo cáo của Cục Thủy sản, năm 2023 tình hình thế giới có nhiều biến động, xung đột Nga-Ukraine kéo dài, giao tranh giữa Israel - Hamas, tình hình bất ổn tại Trung đông khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm; giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logistic cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, nhu cầu tiêu thụ và quy mô sản xuất bị thu hẹp,...
Mặc dù còn gặp khó khăn, nhưng trong năm qua, ngành thủy sản tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, cơ cấu tổ chức, bộ máy của Cục Thủy sản được kiện toàn... giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động quản lý, tổ chức sản xuất xuyên suốt, liền mạch.
Cụ thể, tính đến tháng 12/2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022 (9,087 triệu tấn). Trong đó, sản lượng khai thác thủy 3,861 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng đạt hơn 5,408 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch (10 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu tập trung vào các đối tượng như tôm khoảng 3,45 tỷ USD, cá tra khoảng 1,9 tỷ USD, nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD, cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, trong đó có ngành thủy sản nhưng năm 2023, ngành thủy sản cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, xuất khẩu đạt trên 9 tỷ USD. Đạt được kết quả đó là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ cũng như sự cố gắng của người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước...
Để đạt chỉ tiêu xuất khẩu 9,5 tỷ USD trong năm 2024, ngành thủy sản tập trung vào một số điểm, đó là, tiếp tục tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra), đẩy mạnh nuôi các đối tượng thuỷ sản có tiềm năng và giá trị kinh tế; tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi; đẩy mạnh liên kết, gắn kết hoạt động sản xuất, chế biến theo chuỗi và ứng dụng các công nghệ mới trong quản lý, tổ chức sản xuất; đánh giá hiện trạng, xác định các vùng, địa phương có tiềm năng phát triển nuôi biển qua đó tổ chức lại sản xuất nuôi biển; hướng dẫn cho ngư dân chuyển đổi nghề từ khai thác ven bờ sang trồng và chế biến rong biển. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý quản lý tàu cá tại các địa phương; tham mưu việc kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý của các cảng cá; giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ, thu nhật ký, báo cáo khai thác và xác nhận nguồn gốc thủy sản; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại cảng cá, an toàn vệ sinh tại các tàu cá...
L.M.H (t/h)
-
2.
Giải pháp tài chính, tín dụng thúc đẩy “Tam nông” phát triển nhanh và bền vững
-
3.
Ra mắt cuốn sách “Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, những ký ức và kỷ niệm”
-
4.
Các bon rừng - Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng
-
5.
Giữ màu xanh cho rừng Chư Mom Ray
-
6.
Tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ Đông 2024