Giải pháp phục hồi và phát triển bền vững cây có múi ở Việt Nam
Ngày 24/11/2023, tại tỉnh Hòa Bình, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình, Hội làm vườn Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp phục hồi và phát triển bền vững cây có múi ở Việt Nam”.
Cây có múi hiện là nhóm cây có diện tích, sản lượng lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả nước ta
Cây có múi (bưởi, chanh, cam, quýt) hiện là nhóm cây có diện tích, sản lượng lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả nước ta với tổng diện tích đến hết năm 2022 đạt 262,179 nghìn hecta, chiếm 21,47% tổng diện tích cây ăn quả, tổng sản lượng đạt hơn 3,67 triệu tấn chiếm 28,2% tổng sản lượng quả của cả nước. Tổng giá trị xuất khẩu quả có múi từ năm 2015 liên tục tăng, từ 16,5 triệu USD lên 72,9 triệu USD năm 2022, trong đó sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm chanh và bưởi (chiếm khoảng 95 - 99,5%). Xuất khẩu quả có múi tiếp tục có xu hướng tăng cao trong năm 2023, đến hết tháng 9/2023 đạt hơn 81 triệu USD.
Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, với lợi thế là cửa ngõ lên Tây Bắc, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, cùng với sự đa dạng về khí hậu, đất đai, tỉnh Hòa Bình có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp với đa dạng chủng loại cây trồng, vật nuôi. Trong đó, tỉnh Hòa Bình hướng phát triển bền vững về nông nghiệp kết hợp du lịch và sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về hiện trạng, định hướng giải pháp phát triển sản xuất cây ăn quả có múi tại Việt Nam; hiện trạng đất trồng cam và biện pháp quản lý đất, dinh dưỡng cho cây; KIT chuẩn đoán nhanh bệnh vàng lá và sử dụng chế phẩm sinh học quản lý sâu bệnh hại trong đất trồng cây ăn quả có múi...
Đưa ra giải pháp để phát triển cây có múi một cách hiệu quả và bền vững, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, các cơ quan ban ngành, các địa phương cần rà soát lại các vùng sản xuất cam, bưởi hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung, tại các vùng có điều kiện sinh thái phù hợp, có khả năng đầu tư thâm canh. Bên cạnh đó, tăng cường phát triển các giống cây có múi đặc sản địa phương có lợi thế cạnh tranh; ưu tiên công tác bình tuyển, phục tráng giống. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống cây có múi mới, có năng suất, chất lượng, không hạt hoặc có ít hạt, rải vụ thu hoạch, thích ứng biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh,... Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại; khắc phục, giảm thiểu tình trạng canh tác thiếu bền vững, lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, làm ảnh hưởng tuổi thọ vườn cây, chất lượng và an toàn thực phẩm.
B.Nhi (t/h)
-
2.
Gần 300 gian hàng tham dự Hội chợ triển lãm Nông nghiệp quốc tế lần thứ 24
-
3.
Công bố Quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT
-
4.
Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học gắn với phát triển ngành lâm nghiệp
-
5.
Cơ hội hợp tác trong nghiên cứu và giáo dục về thương mại carbon