Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Giá trị toàn ngành nông nghiệp và PTNT năm 2022 tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây

Thứ Sáu, 00:00 ngày 13/01/2023

Ngày 13/01/2023, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Ngày 13/01/2023, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Theo thống kê, năm 2022, trong bối cảnh khó khăn chung, ngành nông nghiệp và PTNT với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và "đổi mới tư duy" để vượt qua khó khăn, thách thức của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển. Toàn bộ 6/6 chỉ tiêu của ngành được Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch. Giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp và PTNT đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây; trong đó, nông nghiệp tăng 2,88% (trồng trọt tăng 1,51%, chăn nuôi tăng 5,93%); thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%; tỷ lệ che phủ rừng trên 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.

Năm 2023, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng mới,... Mặc dù vậy ngành nông nghiệp và PTNT vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu như: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 80%. Để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu,…

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả và thành tích mà ngành nông nghiệp và PTNT đạt được trong năm 2022, đóng góp tích cực vào phát triển nền kinh tế của đất nước. Phát triển của ngành nông nghiệp và PTNT chính là việc đóng góp vào xây dựng nền kinh tế của Việt Nam độc lập, tự chủ, gắn việc tích cực chủ động hội nhập sâu rộng với quốc tế, góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thành công của ngành nông nghiệp và PTNT năm 2022 chính là nhờ các hệ thống chính trị cùng vào cuộc, Đảng, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT... đã quyết liệt trong công tác điều hành, xây dựng thể chế, đặc biệt nắm chắc tình hình diễn biến thế giới để điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình. Đây là điều quan trọng góp phần mang lại hiệu quả của ngành nông nghiệp và PTNT. Thực hiện chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Gắn sản xuất với thị trường, chế biến, chuỗi giá trị gia tăng. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng giao những chỉ tiêu cụ thể đối với ngành nông nghiệp và PTNT năm 2023 cần phải phấn đấu: Tăng trưởng toàn ngành 3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 55 tỷ USD. Các chỉ tiêu khác: 80% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 60% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, ngành nông nghiệp và PTNT cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến…

Lê Huy

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!