Tăng cường công tác quản lý giống tôm nước lợ
Ngày 3/3/2023, tại Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị “Phát triển ngành tôm năm 2023” nhằm tìm giải pháp để phát triển ngành tôm nước lợ. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.
Chế biến tôm xuất khẩu
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, ngay từ vụ nuôi đầu năm 2022, người nuôi tôm đã phải đối mặt với tình thế khó khăn khi hầu hết chi phí vật tư đầu vào, như: con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất xử lý ao nuôi… đều tăng giá. Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Bộ Nông nghiệp và PTNT, địa phương và sự tham gia tích cực của các hội, hiệp hội; sự nỗ lực, cố gắng của bà con ngư dân, kết quả sản xuất nuôi tôm nǎm 2022 đạt rất khả quan.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, vụ nuôi tôm năm 2022, địa phương gặp nhiều khó khăn vì độ mặn thấp, giá vật tư đầu vào đều tăng đã làm chậm tiến độ thả nuôi đầu vụ. Mưa lớn kéo dài làm cho diện tích tôm thiệt hại do môi trường khá cao, đặc biệt là bệnh hoại tử tụy cấp, bệnh phân trắng và vi bào tử trùng có xu hướng tăng hơn so với cùng kỳ năm 2021. Vượt qua những thách thức, khó khăn, vụ nuôi tôm năm 2022 cơ bản thành công về kế hoạch diện tích, sản lượng và tỷ lệ thiệt hại được khống chế ở mức dưới 5,3%.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các cơ quan, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý giống tôm nước lợ, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan trung ương và các địa phương để quản lý tốt chất lượng tôm giống; chia sẻ kịp thời, thường xuyên thông tin về nguồn gốc, chất lượng giúp bà con nuôi tôm có được con giống chất lượng cao phục vụ sản xuất… Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản nguyên liệu, kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm nhằm nâng cao chất lượng. Chủ động, thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Các địa phương tổ chức liên kết chuỗi sản xuất tôm, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm liên hoàn; ngăn chặn kịp thời những sản phẩm như con giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản không đảm bảo chất lượng tới người tiêu dùng. Đồng thời, thực hiện tốt kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2023; chỉ đạo thực hiện tốt quy định về điều kiện nuôi, đăng ký đối tượng nuôi chủ lực, thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất và chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, kiên quyết xử lý sai phạm (nếu có).
Theo kế hoạch sản xuất tôm năm 2023, diện tích nuôi tôm cả nước đạt 750 nghìn ha, trong đó tôm sú 610 nghìn ha, tôm thẻ 120 nghìn ha, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác; sản lượng tôm các loại 1.080 nghìn tấn, trong đó tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 750 nghìn tấn, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu tôm phấn đấu đạt trên 4,3 tỷ USD.
VT (t/h)
-
2.
Triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập ứng phó với bão số 3
-
3.
Lệnh mở cửa xả đáy hồ Hòa Bình, Tuyên Quang ứng phó bão số 3
-
4.
30 năm hành trình chất lượng nông lâm thủy sản Việt Nam
-
5.
Hội thao chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9
-
6.
Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia nhằm quản lý, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp