Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống

Thứ Sáu, 10:05 ngày 10/11/2023

Trong khuôn khổ Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023, ngày 9/11/2023, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm gặp gỡ 100 nghệ nhân, thợ giỏi đến từ 43 tỉnh/thành, đại diện cho hơn 2.000 nghệ nhân, thợ giỏi và hơn 3,6 triệu lao động trong lĩnh vực ngành nghề trong cả nước. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam dự buổi tọa đàm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Tọa đàm

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cả nước hiện có khoảng hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận theo tiêu chí của Nhà nước, tăng gần 100 làng nghề so với năm 2020. Trong đó, có hơn 1.400 làng nghề và hơn 650 làng nghề truyền thống; 57 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống được ghi nhận.

Trao đổi tại buổi Tọa đàm, ông Hạ Bá Định, nghệ nhân gốm sứ Chu Đậu tỉnh Hải Dương cho biết, ông rất vinh dự được có mặt trong buổi tọa đàm ngày hôm nay. Điều đó nói lên sự quan tâm của các ban ngành, đặc biệt là lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT đã quan tâm đến các nghệ nhân, đến các làng nghề, một nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển, cũng như bảo tồn bản sắc văn hóa của đất nước. Ông Nguyễn Văn Tĩnh, nghệ nhân ưu tú làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội chia sẻ, nghề thủ công, mỹ nghệ của Việt Nam rất đa dạng, phong phú, có nhiều làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm, thậm chí vài trăm năm. Việc phát triển làng nghề, phát huy thế mạnh của các nghệ nhân không chỉ đem lại giá trị về vật chất, mà còn là nơi duy trì, phát huy bản sắc, văn hóa, là hồn cốt của dân tộc…

Tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống có phát triển được hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi. Các nghệ nhân, thợ giỏi được xem như hồn cốt của các nghề, làng nghề truyền thống, những người biến các sản phẩm đơn thuần thành các tác phẩm nghệ thuật, kết tinh giá trị và đóng góp cho việc tạo dựng văn hóa Việt, văn hóa làng nghề. Mỗi nghệ nhân, thợ giỏi có thể truyền cảm hứng cho những người lao động cùng tạo ra được sản phẩm làng nghề, trong sản phẩm đó có bóng dáng của nghệ nhân làng nghề.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan giao Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nghiên cứu, đề xuất giải pháp để nâng cao giá trị các làng nghề, đặc biệt là những sản phẩm của nghệ nhân và thợ giỏi; đồng thời tham mưu để có một tạp chí về làng nghề xuất hiện trên các chuyến bay trong nước và quốc tế.

                                                                                              L.Minh

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!