Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành tôm

Thứ Ba, 08:28 ngày 12/12/2023

Chiều ngày 11/12/2023, tại thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổi chức Hội Nghị “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành tôm” trong khuôn khổ Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long 2023. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đồng chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến thăm mô hình nuôi tôm tại tỉnh Cà Mau

Trong những năm qua, ngành Thủy sản Việt Nam đã phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu có giá trị kinh tế từ 4,94 tỷ USD năm 2010 đến 2022 đạt 11,0 tỷ USD, tăng gấp 2,34 lần. Năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Đến nay, tôm Việt Nam đã xuất khẩu sang 108 thị trường; trong đó xuất khẩu sang 9 thị trường chính (EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) chiếm hơn 97% tổng giá trị.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tính đến hết tháng 11 năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt 3,38 tỷ USD (giảm 16,6% so với cùng kì năm 2022). Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành tôm Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn khiến kim ngạch xuất khẩu suy giảm ở nhiều thị trường. Ngoài thách thức nội tại khiến giá thành cao, giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế, thì yếu tố khách quan là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm năm 2023. Bên cạnh đó, giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới đã giảm dần từ đầu năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi nguồn cung toàn cầu ngày càng tăng; trong khi đó giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng dẫn đến sức ép cạnh tranh về giá cho tôm Việt Nam so với các đối thủ như: Ecuador, Ấn Độ, Indonesia.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ, việc tổ chức Hội nghị “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành hàng tôm” là dịp để các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân cùng chia sẻ, trao đổi, đánh giá một cách hệ thống những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế đã qua. Từ đó, đề ra kế hoạch, giải pháp đồng bộ, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy ngành tôm Việt Nam nói chung và ngành tôm tỉnh Cà Mau nói riêng phát triển hiệu quả và bền vững trong thời gian tới".

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong thời gian qua, phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào các khâu của quá trình sản xuất và chế biến tôm đã góp phần tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị cao; giải quyết các vấn đề về kiểm soát môi trường nước cho đến ứng dụng thức ăn từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành tôm. Tiềm năng và lợi thế về thủy sản, nhất là nuôi tôm, của đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn, nhưng vẫn chưa được khai thác hết.

Để phát triển ngành tôm hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng phó trước biến động của thị trường trong bối cảnh chính trị phức tạp, cần có các giải pháp căn cơ về tổ chức sản xuất, quản lý chặt chẽ yếu tố đầu vào, phương án giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh về giá và đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường để nắm bắt cơ hội mới cho xuất khẩu tôm Việt Nam. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Căn cứ Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 và Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030, đề nghị 8 tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long (trong đó có Cà Mau) cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường; tăng cường tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo chuỗi liên kết, tổ chức hiệu quả sản xuất theo quy mô lớn tập trung gắn sản xuất với những tín hiệu của thị trường, liên kết tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi bằng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một chuỗi giá trị với doanh nghiệp…

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, Hiệp hội ngành hàng và các Doanh nghiệp giải quyết kịp thời những khó khăn, khắc phục những bất lợi, thách thức, phát huy tối đa cơ hội để đẩy nhanh sản xuất, tăng sản lượng xuất khẩu nhằm thu được giá trị xuất khẩu tốt nhất, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Bảo Nhi

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!