Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Không để dịch bệnh lây lan khó kiểm soát

Thứ Hai, 14:45 ngày 17/06/2024

Ngày 17/6/2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị Phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Cục Thú y cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm diễn biến khá phức tạp, số ổ dịch và số gia súc mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có chiều hướng gia tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Điển hình là bệnh dịch tả lợn châu Phi số ổ dịch tăng 2,4 lần; số ổ dịch lở mồm long móng tăng 2,1 lần; đặc biệt đã có 1 người chết vì nhiễm virus cúm giá cầm A/H5N1 và 1 người nhiễm virus cúm gia cầm A/H9N2; 44 người tử vong (tăng 30%) do bệnh dại tại 23 tỉnh, thành phố (tỉnh Bình Thuận 7 ca, Đắk Lắk 5 ca) và ghi nhận 96.561 trường hợp người bị chó, mèo mắc dại, nghi dại cắn, cào phải điều trị dự phòng.

Toàn cảnh Hội nghị

Về bệnh dịch tả lợn châu Phi, đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã xảy ra 468 ổ dịch tại 41 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 22.011 con lợn; trong đó, dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng nhất tại một số tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, Quảng Ninh. Hiện nay, cả nước có 247 ổ dịch thuộc 68 huyện của 21 tỉnh chưa qua 21 ngày. So với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch tăng 2,4 lần, số lợn phải tiêu hủy tại các ổ dịch tăng 93,7%.

“Nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao vì giá lợn tăng cao nên người chăn nuôi có xu hướng tái đàn ồ ạt, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ trước đây đã bị dịch. Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh cho lợn thịt, nhưng việc quan tâm, sử dụng còn hạn chế. Một số địa phương cấp huyện, cấp xã nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của bệnh. Việc tổ chức chống dịch theo quy định còn chưa đồng bộ, chưa bố trí đầy đủ kinh phí cho phòng chống dịch”, đại diện Cục Thú y chia sẻ.

Về cúm gia cầm, từ đầu năm 2024 đến này, cả nước đã xảy ra 7 ổ dịch cúm A/H5N1 tại 7 huyện của 7 tỉnh. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 12.424 con. So với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch giảm 36,36%, số gia cầm chết, tiêu hủy giảm hơn 9,89%. Hiện nay, cả nước không có ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 chưa qua 21 ngày.

Đến nay, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt bệnh cúm gia cầm. Chỉ xảy ra một số ổ dịch cúm gia cầm tại các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vắc xin cúm.Tuy nhiên, các địa phương đã chủ động phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Về bệnh dại trên động vật, từ đầu năm đến nay có 146 ổ dịch bệnh dại tại 34 tỉnh, thành phố, tổng số chó, mèo tiêu huỷ là 395 con. Hiện nay, có 19 ổ dịch bệnh dại trên động vật tại 10 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. So sánh với cùng kỳ năm 2023 số ổ dịch dại trên động vật tăng 24,24% lần.

Về bệnh lở mồm long móng, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước phát sinh 44 ổ dịch lở mồm long móng tuýp O tại 25 huyện của 13 tỉnh. Số gia súc mắc bệnh là 1.421 con, số gia súc tiêu hủy là 123 con; số ổ dịch tăng 2,09 lần, số gia súc mắc bệnh tăng 2,18 lần. Hiện cả nước có 3 ổ dịch bệnh lở mồm long móng tại 2 tỉnh Yên Bái và Gia Lai chưa qua 21 ngày.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng  Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan truyên môn của địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm. Các địa phương phải tập trung phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm một cách thường xuyên liên tục. Buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, nhất là giống vật nuôi đã thay đổi, hoạt động buôn lậu rất ngang nhiên, chở với số lượng rất lớn lên các tỉnh biên giới; rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng vaccine phòng các bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm; không để dịch bệnh bùng phát rồi chạy theo dập dịch.

“Giống chăn nuôi nhập lậu chính là nguyên nhân gây ra các loại dịch bệnh như cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi… từ nước ngoài vào Việt Nam, gây thiệt hại rất lớn. Vì vậy, Chi cục Thú y các địa phương phải là nòng cốt để phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và quản lý thị trường kiểm soát vận chuyển, mua bán giống nhập lậu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu các địa phương chủ động động giám sát, phát hiện dịch bệnh động vật nguy hiểm nêu trên để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ổ dịch mới phát sinh, ưu tiên sử dụng nguồn lực tại chỗ của địa phương trong xử lý ổ dịch…

 TV

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!