Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Thiết lập chuỗi logistics nông, lâm, thuỷ sản xuất khẩu

Thứ Ba, 09:35 ngày 26/12/2023

Ngày 25/12/2023, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị bàn tròn về “Thiết lập chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản xuất khẩu”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam dự và chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị

Hiện nay, xu hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, sản phẩm ngày càng đa dạng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics trong ngành nông, lâm, thủy sản ngày càng tăng. Những năm gần đây, hạ tầng logistics đã có những chuyển biến tích cực như hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp, nhất là hệ thống đường đến nông thôn, cầu cảng phát triển kết nối sản xuất với thị trường. Hạ tầng thương mại như chợ, chợ đầu mối được nâng cấp, dịch vụ logistics bao gồm vận chuyển, bảo quản, lưu kho, phân loại, đóng gói… ngày càng đa dạng.

Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Nguyễn Anh Phong chia sẻ, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu nông sản lớn nhưng sản xuất nông nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ lẻ và manh mún, việc thu mua nông sản tập trung với số lượng lớn rất khó thực hiện. Thêm vào đó, nước ta có lãnh thổ kéo dài và hẹp ngang, sản phẩm nông nghiệp giữa các vùng miền đa dạng, phong phú và thị trường xuất khẩu chính các loại nông sản vẫn là Trung Quốc qua các cửa khẩu ở phía Bắc.

Tuy nhiên, logistics cho chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề, đó là chi phí cao, hạ tầng phát triển không kịp so với nhu cầu thực tế, năng lực cung ứng dịch vụ có hạn… Cụ thể, chi phí logistics hiện hiếm 12% giá thành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ, 29% giá thành rau quả, 30% giá thành gạo… Tỷ lệ chi phí logistics Việt Nam hiện đang cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và Singapore tới 300%.

Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, trong 5 năm gần đây, ngành logistics của Việt Nam có bước phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 14-16%. Chất lượng dịch vụ, hạ tầng logistics được nâng cao, số lượng doanh nghiệp logistics phát triển nhanh…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho biết, logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng cho nông sản Việt. Tuy nhiên, logistics đặc thù cho các sản phẩm nông sản chưa phát triển đồng bộ, chưa gắn kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu chủ lực. Một số vùng sản xuất tập trung, các đầu mối giao thương cho các vùng và cho cả nước thiếu các trung tâm logistics giúp liên kết sản xuất - tiêu thụ - xuất khẩu nông sản. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, những hạn chế là do thời gian qua Việt Nam chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển logistics nông nghiệp tầm nhìn dài hạn; thiếu chính sách hỗ trợ cho phát triển logistics phục vụ các vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; chính sách phát triển các trung tâm liên kết nông sản, trung tâm đầu mối nông nghiệp mới chỉ trong giai đoạn thí điểm hoặc đề xuất xây dựng…

"Việt Nam có 7 vùng kinh tế với điều kiện sản xuất, hạ tầng, nhu cầu kết nối thị trường khác nhau. Do đó, việc xây dựng chiến lược mạng lưới các trung tâm logistics vùng có khả năng kết nối mới chỉ giải quyết được bài toán quy hoạch tổng thể, tạo cơ chế, chính sách đồng bộ hỗ trợ cả nông nghiệp và logistics cùng phát triển. Tuy nhiên, việc thiết kế, triển khai xây dựng các trung tâm logistics vùng đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, đánh giá chi tiết nhằm đảm bảo dự án mang lại hiệu quả thực tế, đáp ứng nhu cầu phát triển trong dài hạn", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

B.Nhi (t/h)

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!