Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Sớm thành lập hiệp hội ngành hàng rong biển

Thứ Hai, 09:15 ngày 22/01/2024

Chiều ngày 19/1/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo phát triển nuôi trồng rong tảo biển. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan dự và chủ trì Hội thảo.

Ngành hàng rong biển của nước ta đang có nhiều cơ hội để phát triển

Báo cáo tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, ở Việt Nam hiện nay có hơn 800 loài rong tự nhiên, thuộc 3 nhóm chính là rong sụn, rong nho và rong câu. Diện tích có tiền năng trồng rong biển của cả nước khoảng 900.000 ha. Năm 2023, diện tích trồng rong biển khoảng 16.500 ha, sản lượng khoảng 150.000 tấn, tập trung ở một số địa phương như: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kiên Giang…

Theo ông Trần Đình Luân, ngành hàng rong biển của nước ta còn nhiều cơ hội, dư địa để phát triển như thị trường thế giới tăng trưởng khoảng trên 10%/năm; khả năng hấp thụ CO2  rong biển gấp 5 lần thực vật trên cạn, đây là cơ hội tốt để chúng ta có thể bán tín chỉ các bon. Hiện nay, xu thế sử dụng thực phẩm sạch, xanh ngày càng được người tiêu dùng hưởng ứng, trong đó rong biển là loài thực phẩm có nhiều giá trị dinh dưỡng cả về thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm…

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP Nguyễn Thị Hải Bình, doanh nghiệp đang trồng, chế biến rong biển cho rằng, chúng ta có hơn 3.600 km bờ biển nên cơ hội phát triển ngành rong biển là rất lớn. Tuy nhiên, để phát triển ngành rong biển các nhà quản lý cần quy hoạch vùng trồng rong biển theo hướng tập trung, không nên phát triển ồ ạt. Hiện nay, các nước nhập khẩu các sản phẩn nông sản nói chung và rong biển nói riêng đều yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc. Phát triển trồng rong biển nên xây dựng theo hướng đa canh, trồng rong biển kết hợp nuôi các loài khác như hải sâm, vẹm xanh, bào ngư… để gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, ngành nông nghiệp hiện đang tập trung giải quyết một số vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, chuyển biến xu thế tiêu dùng và biến động thị trường, do vậy ngành hàng rong biển muốn phát triển cần giải quyết được những vấn đề trên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì cần nhận thức rõ không chỉ bán sản phẩm rong biển thông thường mà bán giá trị đến người tiêu dùng.

Các loài rong biển phổ biến ở Việt Nam

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, các đơn vị quản lý, doanh nghiệp nuôi, chế biến rong biển ngoài việc tập trung nâng cao giá trị sản phẩm cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng hệ sinh thái ngành hàng, tạo việc làm cho lực lượng ngư dân ven biển khai thác hải sản để họ chuyển đổi nghề nghiệp, đảm bảo thu nhập. Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Thủy sản, hướng dẫn, đồng hành cùng các doanh nghiệp nghiên cứu trong thời gian tới thành lập Hiệp hội ngành hàng rong biển.

                                                                              L.M.H

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!