Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Quản lý sâu keo mùa thu bền vững ở Việt Nam

Thứ Tư, 10:10 ngày 20/12/2023

Ngày 19/12/2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Hội nghị tổng kết dự án hỗ trợ kỹ thuật xây dựng “Mở rộng phạm vi quản lý sâu keo mùa thu bền vững ở Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung dự và chỉ đạo Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung phát biểu tại Hội nghị

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), sâu keo mùa thu đang nhanh chóng tăng tính kháng đối với nhiều loại hoạt chất hóa học tại châu Phi và châu Á. Vì vậy, việc tìm kiếm giải pháp quản lý sâu keo mùa thu bền vững, khôi phục và bảo tồn sự đa dạng của quần thể thiên địch là vấn đề cần thiết, không chỉ cho trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài. Trong đó, việc sử dụng giống kháng, biện pháp canh tác và các tác nhân sinh học trong phòng trừ sâu keo mùa thu có vai trò quan trọng trong hệ thống các biện pháp quản lý tổng hợp dịch hại ngô. Dự án 'Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng mở rộng phạm vi quản lý sâu keo mùa thu bền vững tại Việt Nam' nằm trong hành động toàn cầu của FAO với mục tiêu quản lý bền vững sâu keo mùa thu. Kết quả của dự án sẽ được chia sẻ với các quốc gia tại châu Phi, cận Đông và châu Á.

Ông Rémi Nono Womdim, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), cho biết: "Trong 30 năm nay sâu keo mùa thu vẫn là đối tượng gây hại nặng nề đối với mùa màng ở châu Phi. Việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa chất không phải là lựa chọn hiệu quả. Chính vì vậy, điều quan trọng để kiểm soát loại dịch hại này là phải có cách tiếp cận tổng hợp, hài hòa. Khi đề ra những biện pháp kiểm soát rất cần chú ý, đặc biệt là tới nhóm các nông hộ sản xuất nhỏ".

Phát biểu tại Hội nghị Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung cho biết, năm 2019, sâu keo mùa thu xuất hiện ở Việt Nam, trong thời gian ngắn đã nhanh chóng lan rộng ra 58 tỉnh thành với tổng diện tích ngô bị nhiễm hơn 76.000 ha. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng quy trình phòng trừ, áp dụng các biện pháp khẩn cấp, mở lớp tập huấn để hướng dẫn nông dân nhận biết và ứng phó với loài sinh vật gây hại này. Nhờ đó, diện tích ngô bị nhiễm sâu keo mùa thu giảm dần. Đến năm 2023, diện tích nhiễm trên toàn quốc khoảng 8.000 ha, với mức độ gây hại nhẹ.

"Sâu keo mùa thu là sinh vật gây hại di cư không thể đoán định trước được, cần chuẩn bị các phương án để ứng phó. Cách ứng phó hiệu quả nhất là nâng cao năng lực quốc gia về quản lý sâu keo thông qua các hoạt động từ đào tạo, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sử dụng các giống chống chịu, các kỹ thuật canh tác đối với ngô cho nông dân và địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các nước trong khu vực để thiết lập hệ thống giám sát, cảnh báo sớm đối với dịch hại này trên mạng lưới bảo vệ thực vật quốc gia và khu vực", Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

B. Nhi (t/h)

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!