Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Phát triển mô hình nuôi tôm dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Thứ Ba, 09:40 ngày 12/12/2023

Cà Mau là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, được xác định là trung tâm lớn về thuỷ sản, nhất là nuôi tôm. Với tiềm năng, thế mạnh, tỉnh Cà Mau luôn xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung đầu tư.

Người dân tham gia chuỗi liên kết nuôi tôm dưới tán rừng tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau được doanh nghiệp thủy sản hỗ trợ giống chất lượng cao và dịch vụ môi trường rừng nên thu nhập của bà con được nâng lên đáng kể

Những năm qua, mặc dù chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, song tỉnh Cà Mau đã tận dụng tối đa lợi thế về tài nguyên biển và rừng xây dựng những mô hình nông nghiệp mới, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, phải kể đến các mô hình như: Tôm sinh thái, tôm - rừng, tôm - lúa, … đã mang lại hiệu quả kinh tế cao tạo ra sự khác biệt ấn tượng cho tỉnh,...

Hiện nay, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ở tỉnh Cà Mau tập trung ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi và Phú Tân. Riêng huyện Ngọc Hiển có phần lớn diện tích đất rừng ngập mặn hiện xây dựng 3 xã trọng điểm về nuôi tôm dưới tán rừng là Viên An, Đất Mũi và Viên An Đông. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản như: Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty Cổ phần Camimex Group Cà Mau, Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau và Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn đã liên kết với các Ban Quản lý rừng và các hộ dân nuôi tôm đạt các chứng nhận quốc tế như: EU Organic, Naturland, Mangrove Shrimp, Selva Shrimp, Canada Organic,...

Người dân tham gia chuỗi này được doanh nghiệp hỗ trợ giống chất lượng cao và dịch vụ môi trường rừng nên thu nhập của bà con được nâng lên đáng kể. Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được doanh nghiệp hỗ trợ người dân bằng 2 hình thức là con giống hoặc bằng tiền (500 ngàn đồng/ha/năm). Ngoài ra, người nuôi tôm còn được hỗ trợ nhiều về kỹ thuật, tập huấn. Mỗi hộ trong vùng nuôi đều được tạo tài khoản ngân hàng, chi trả đều được doanh nghiệp thực hiện thanh toán qua thẻ.

Việc phát triển mô hình nuôi tôm dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua cho thấy, đây là mô hình phát triển kinh tế bền vững, giúp người dân nâng cao thu nhập, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ, phát triển rừng. Trước thách thức của biến đổi khí hậu, mô hình nuôi tôm - rừng là phương thức nuôi gắn với bảo vệ rừng và trồng rừng ngặp mặn, quan tâm đến tăng trưởng nguồn các bon xanh phù hợp với xu thế phát triển xanh trên thế giới. Hiện tỉnh Cà Mau tăng cường khuyến khích phát triển mô hình nuôi tôm - rừng có hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu.

                                                                                                                                    Q. Nguyễn

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!