Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Nâng cao trình độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Thứ Ba, 09:45 ngày 16/01/2024

Chiều 15/1/2024, tại Hà Nội, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Đại sứ quán Italia tại Việt Nam tổ chức hội thảo ngành nông nghiệp và cơ giới hóa nông nghiệp ở Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội thảo

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam ông Marco Della Seta cùng Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam, Trưởng đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Trưởng Văn phòng Thương mại Italia tại Việt Nam…

Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày, chia sẻ thông tin về những nghiên cứu, điều tra về các lĩnh vực ngành nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất, thương mại máy móc nông nghiệp tại Việt Nam. Qua đó cũng giúp các doanh nghiệp cơ khí Italia có thể tìm hiểu kỹ hơn về thị trường Việt Nam.

Ông Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết, mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điển hình lĩnh vực lâm nghiệp, mức độ cơ giới hóa đồng bộ đạt thấp nhất, chỉ vào khoảng 30%. Bởi, sản xuất lâm nghiệp phụ thuộc lớn vào địa hình, điều kiện canh tác. Giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam là cần phải cơ giới hóa đồng bộ. Ông Tuấn cho rằng, hiện tại, thiết bị máy động lực ở Việt Nam còn tụt hậu so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… Các nhà sản xuất trong nước chiếm thị phần tương đối thấp, năng lực sản xuất máy móc chỉ đáp ứng khoảng 32% nhu cầu thị trường. Thị phần đáng kể trong nhu cầu thị trường được cung ứng bởi các sản phẩm nhập khẩu, chiếm khoảng 60 - 70%.

Ông Fabio De Cillis, Giám đốc Thương vụ Italia tại Việt Nam đánh giá, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các nhà cung cấp châu Á từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, đang chiếm lĩnh phần lớn thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp châu Âu có độ phủ sóng còn hạn chế. Italia hiện giữ vị trí trong số 20 nhà cung cấp hàng đầu máy móc nông nghiệp cho Việt Nam….

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2023 có thể nói là một năm thành công đối với ngành nông nghiệp. Cụ thể, xuất siêu hơn 12 tỷ USD, tăng trưởng GDP 3,83%, đây là mức tăng kỷ lục trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại đó là, quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực, tỷ lệ cơ giới hóa trong các lĩnh vực còn thấp… là do trình độ khoa học và công nghệ còn tương đối thấp. Khả năng ứng dụng khoa học công nghệ và các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế còn hạn chế. Do vậy, Việt Nam mong muốn và đặt mục tiêu sản xuất được các mặt hàng nông sản có chất lượng cao, giá trị gia tăng tốt hơn, có khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và tạo vị thế xây dựng thương hiệu quốc gia nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp…

Để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, Việt Nam cam kết sẽ nghiên cứu, xem xét để đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác với quốc tế, trong đó vấn đề cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được đặc biệt quan tâm nhằm thúc đẩy việc tích tụ, tập trung đất đai, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất nông nghiệp…. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

                                                                        Quang Minh

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!