Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Năm 2024 ngành hàng cá tra phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 2 tỉ USD

Thứ Bảy, 08:30 ngày 16/12/2023

Ngày 15/12/2023, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đồng chủ trì Hội nghị.

Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 1,8 tỉ USD

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2023, dưới tác động của lạm phát và bất ổn chính trị, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn. Ước năm 2023, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.700 ha (bằng 98% năm 2022); sản lượng khoảng 1,61 triệu tấn (tương đương cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,8 tỷ USD, chỉ bằng 75% so năm 2022. Tính đến tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,6 tỷ USD, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam năm 2023 đều có xu hướng giảm. Trong đó: Trung Quốc giảm gần 22%, Hoa Kỳ giảm hơn 53%, EU giảm hơn 17%. Thị trường Germany, England, Brazil, Saudi Arabia tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022, nhưng đây là những thị trường chiếm tỷ trọng nhỏ.

Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) dự báo sản lượng cá tra năm 2024 tăng 2,8% so với năm 2023. Lạm phát toàn cầu có khả năng được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng có khả năng sẽ hồi phục từ quý II/2024. Sản lượng thu hoạch trong 2 quý đầu năm 2024 dự báo không cao như kỳ vọng. Tuy nhiên, với đà phục hồi như hiện nay, sản lượng cá tra dự kiến thu hoạch trong quý I, II/2024 vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến, xuất khẩu.

Tại Hội nghị các đại biểu đã thảo luận, đề xuất các giải pháp kỹ thuật cải thiện chất lượng con giống, quản lý để tăng hiệu quả trong nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra năm 2024.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để đạt được mục tiêu sản lượng cá tra nuôi thương phẩm đạt 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2024, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp cùng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cần tập trung nâng cao chất lượng cá tra giống; đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu về chọn tạo các tính trạng (khả năng kháng bệnh, tỷ lệ fillet, mùi vị sản phẩm, tỷ lệ đạm, mỡ trong sản phẩm, khả năng chịu mặn…) theo nhu cầu thị trường; áp dụng công nghệ vaccine phòng bệnh, di truyền phân tử…, để nâng cao chất lượng giống cá tra. Khuyến khích xây dựng chuỗi liên kết từ khâu cung ứng giống, nuôi cá tra thương phẩm đến chế biến, xuất khẩu; cắt giảm chi phí sản xuất để tăng tính cạnh tranh; cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình thực hiện sản xuất; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biến - cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin.

“Sản lượng, mật độ, năng suất nuôi cá tra của chúng ta cao rồi. Vì thế để thoát ra khỏi khó khăn thì không còn cách nào khác là phải nâng cao sức cạnh tranh, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng. Như vậy, chúng ta phải điều chỉnh, thay đổi trong quản lý nhà nước, cơ chế chính sách, trong điều hành sản xuất, xúc tiến thương mại, điều chỉnh thay đổi cơ cấu về thị trường…” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

B. Nhi (t/h)

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!