Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Khôi phục rừng ngập mặn, tăng trữ lượng các bon rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau

Thứ Hai, 09:12 ngày 18/12/2023

  Mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn mang lại giá trị về môi trường, đóng góp cho việc giảm thiểu khí nhà kính thông qua khả năng tích lũy các bon

Đi đầu thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ngập mặn
Vườn Quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau có tổng diện tích quản lý là 41.862 ha, trong đó có 15.262 ha đất liền, còn lại 26.600 ha ven biển, được chia thành 4 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (12.203 ha), phân khu phục hồi sinh thái (2.859 ha), phân khu hành chính dịch vụ (200 ha), phân khu bảo tồn biển (26.600 ha). VQG Mũi Cà Mau còn có vùng đệm với tổng diện tích là 8.194 ha, nằm trên địa bàn các xã Đất Mũi, Viên An và Đất Mới thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.  VQG Mũi Cà Mau có những đặc điểm độc đáo về địa lý tự nhiên, là nơi duy nhất ở Việt Nam tiếp giáp cả hai vùng biển Tây và biển Đông và chịu ảnh hưởng bởi hai chế độ thủy triều tạo nên một vùng sinh thái cửa sông và ven biển có một không hai ở Việt Nam với các hệ sinh thái đặc trưng như: Hệ thống diễn thế rừng nguyên sinh trên đất bãi bồi; hệ sinh thái biển; hệ sinh thái đặc trưng chuyển từ rừng ngập mặn sang rừng tràm ngập nước ngọt theo mùa…Đây cũng là nơi bảo tồn nguồn gen, bảo vệ các hệ sinh thái đa dạng trong đó có hơn 40 loài quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng như: Rái cá, mèo cá, trăn gấm...

Với những đặc điểm độc đáo riêng, VQG Mũi Cà Mau được biết đến là VQG đầu tiên thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ngập mặn. Từ năm 2012, phối hợp với Tổ chức Sida (Thụy Điển) VQG Mũi Cà Mau đã thực hiện Dự án “Thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng ngập mặn và hệ sinh thái đất ngập nước ven biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu, góp phần giảm nghèo ở cộng đồng địa phương” tại Phân khu phục hồi sinh thái. Dự án hỗ trợ sinh kế cho 20 hộ dân trong đó có  hỗ trợ 4 hộ dân định hướng xây dựng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng (du lịch cộng đồng). 

Ngày 21/02/2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 251/QĐ-UBND về cơ chế thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ngập mặn tại VQG Mũi Cà Mau với mục đích tổ chức để hộ dân bảo vệ rừng kết hợp nuôi thủy sản dưới tán rừng, phát triển du lịch sinh thái, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý rừng và tăng thu nhập cho hộ dân; đồng thời tạo cơ sở để tổng kết kinh nghiệm và nhân rộng mô hình trong giai đoạn tiếp theo. Thí điểm liên kết giữa VQG Mũi Cà Mau, hộ dân và doanh nghiệp thủy sản...

Ngày 22/01/2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 111/QĐ-UBND về quy định thí điểm nuôi tôm - rừng có chứng nhận quốc tế. Trong đó, quy định cụ thể đối tượng trả tiền dịch vụ môi trường rừng là doanh nghiệp thủy sản; đối tượng được nhận tiền là hộ dân ký hợp đồng nhận khoán rừng và Ban Quản lý Rừng phòng hộ. Mức chi trả là 500.000 đồng/ha/năm cho diện tích rừng của hộ dân. Hợp đồng chi trả trực tiếp. Đây chính là cơ sở để ngành lâm nghiệp xây dựng chính sách và Nghị định lâm nghiệp.

Ước tính trữ lượng các bon của rừng ngập mặn

Nhằm giải quyết các thách thức về môi trường, ô nhiễm nguồn nước, an ninh lương thực, sức khỏe con người và quản lý rủi ro thiên tai, mở rộng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, trong bối cảnh hiện nay, VQG Mũi Cà Mau tăng cường phối hợp với các tổ chức thực hiện bảo vệ và khôi phục rừng ngập mặn, tăng tích trữ các bon rừng. Đó là Dự án Phục hồi rừng ngập mặn, tăng cường khả năng tích tụ các bon phối hợp tổ chức WWF Việt Nam trong thời gian 5 năm (từ tháng 10/2020 đến tháng 9/2025).

Hoạt động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng thông qua Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia triển khai ở vùng lõi VQG Mũi Cà Mau, giúp trung hòa các bon

Song song đó phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia thực hiện khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên với diện tích khoảng 50 ha, thời gian tiến hành: 6 năm (từ 2020 - 2026). Tiếp tục triển khai Dự án “Bảo vệ khí hậu và rừng ngập mặn kết hợp cải thiện thu nhập cho các cộng đồng dễ bị tổn thương cùng với Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD). Dự án thực hiện trên diện tích nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng thuộc Phân khu phục hồi sinh thái, VQG Mũi Cà Mau.

Qua kết quả điều tra bước đầu cho thấy, diện tích rừng giao khoán rất ít bị tác động và đang sinh trưởng và phát triển tốt. Với trữ lượng của 2 cấp tuổi theo tính toán hàng năm lượng các bon tích trữ trên mặt đất đối với cấp tuổi 3 là 111,60 tấn/ha và cấp tuổi 4 là 161,34 tấn/ha. Kết quả của nghiên cứu này sẽ là cơ sở để so sánh chỉ số tích lũy các bon của rừng ngập mặn. 

Theo các nhà khoa học, lượng sinh khối dưới mặt đất của rừng ngập mặn chiếm khoảng 2/3 tổng sinh khối của rừng. Như vậy, Rừng ngập mặn Cà Mau là một trong những nhóm rừng góp phần rất lớn trong giảm được lượng phát thải khí nhà kính. Việc ước tính trữ lượng các bon của rừng ngập mặn nhằm tạo cơ sở cho công tác thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Trong bối cảnh nguồn tài chính dành cho công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển có giới hạn, việc nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn mang lại giá trị về môi trường, đa dạng sinh học, đóng góp cho việc giảm thiểu khí nhà kính thông qua khả năng tích lũy các bon rất cao của rừng ngập mặn, giảm thiểu biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế cho người dân trong vùng ngập mặn.

                                                                                                             Uyên Phương

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!