Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Chương trình giống tạo đột phá về năng suất, chất lượng

Thứ Tư, 09:15 ngày 17/01/2024

Ngày 16/1/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình giống 2021 - 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 theo Quyết định 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 bao gồm các nhiệm vụ: Phát triển khoa học công nghệ về giống (bảo tồn, lưu giữ nguồn gen, nuôi giữ giống gốc, nghiên cứu chọn tạo giống); phát triển sản xuất giống; hoàn thiện hệ thống giống.

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 2580/QĐ-BNN-KH ngày 8/7/2020; số 4069/QĐ-BNN-KH ngày 18/10/2021 và số 4780/QĐ-BNN-KH ngày 12/12/2022 phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh danh mục các dự án sử dụng vốn sự nghiệp thực hiện chương trình giống giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, nhiệm vụ phát triển sản xuất giống gồm 33 dự án (trồng trọt 20; lâm nghiệp 9; thủy sản 4).

Đến năm 2023, đã phê duyệt được 26/33 dự án. Trong đó, trồng trọt 15/20 dự án, lâm nghiệp 09/09 dự án, thủy sản 02/04 dự án. Trong tổng số 26 dự án đã duyệt, có 18 dự án đủ điều kiện bố trí vốn thực hiện trong năm 2023 (năm đầu tiên bố trí vốn). Do các dự án hầu hết đều phê duyệt muộn nên 6 tháng đầu năm chỉ thực hiện công tác chuẩn bị dự án, việc triển khai thực hiện tập trung vào 6 tháng cuối năm.

Về lĩnh vực trồng trọt, đến hết năm 2023 các dự án đã đạt được gồm: Bình tuyển công nhận cây đầu dòng (35 cây ăn quả ôn đới); chăm sóc vườn cây đầu dòng để cung cấp vật liệu nhân giống (cây ăn quả ôn đới 1,3 ha; cây chè 10 ha; sắn 6 ha); sản xuất và cung ứng ra thị trường cây giống được sản xuất từ vườn cây đầu dòng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng (83 nghìn cây ăn quả ôn đới; 5 triệu bầu chè; 7 triệu hom sắn); sản xuất và cung cấp ra thị trường một lượng lớn các giống siêu nguyên chủng (150 tấn giống lúa siêu nguyên chủng; 550 ngàn cây giống khoai tây in vitro; 1,7 triệu củ giống khoai tây trong nhà lưới; 8.000 ống nấm tác giả; 20.000 ống nấm trên môi trường thạch nghiêng; 4.000 lít nấm và 5.000 chai nấm sạch bệnh)…

Về lĩnh vực lâm nghiệp: Tuyển chọn 1.210 cây trội; chăm sóc 200 ha rừng giống; sản xuất 1.575 bình giống, 1,5 triệu cây giống, 320 lô hạt, 140 kg hạt…

Về lĩnh vực thủy sản: Nuôi vỗ thành thục cá tra, cá rô phi đỏ bố mẹ (sẽ cho sinh sản đàn con hậu bị vào tháng 2/2024). Nuôi cá bố mẹ: 351 kg cá chim vây vàng, 500 con cá rô phi đỏ, 1.500 con cá nheo Mỹ, 150 con cá tra; nuôi tăng trưởng 42 ngàn dòng cá nước ngọt rô phi đỏ; sản xuất 100 ngàn con cá bột rô phi đỏ dòng nước mặn…

Ngoài ra, từ nguồn vật liệu nhân giống và nguồn giống của dự án, các tổ chức, cá nhân tự đầu tư kinh phí, huy động vốn xã hội hóa để sản xuất cấp giống tiếp theo cung cấp cho sản xuất đại trà, mở rộng diện tích sản xuất các giống mới đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Đại diện Vụ kế hoạch đánh giá, năm 2023 mặc dù các dự án được phê duyệt và bố trí kinh phí muộn, nhưng các chủ đầu tư đã huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ, nội dung và khối lượng triển khai theo đúng kế hoạch được duyệt. Kết quả thực hiện của dự án đã góp phần tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống đúng tiêu chuẩn cho sản xuất, tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt các dự án phát triển sản xuất giống chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật nên mất rất nhiều thời gian triển khai. Các nhiệm vụ sử dụng nguồn vốn sự nghiệp, quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn nên tiến độ chậm…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao trong thực hiện chương trình khẩn trương hoàn thiện tất cả các nội dung, chỉ rõ đầu mối liên hệ để kịp thời phối hợp tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại.

“Trong sản xuất nông nghiệp giống quyết định tới năng suất, chất lượng sản phẩm. Vì vậy, trong xây dựng các dự án, đề tài, nhiệm vụ khoa học những mục tiêu đặt ra phải phù hợp với đặc điểm sinh lý, sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi, đặc sắc, phù hợp với các vùng sinh thái. Việc huy động được nguồn vốn phục vụ cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ rất quan trọng. Vì vậy, Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính khẩn trương phối hợp với các đơn vị rà soát lại tất cả các nội dung đảm bảo đúng quy định, tiến độ, hiệu quả. Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ cân đối, phân bổ vốn đầu tư phát triển năm 2024 cho các dự án sử dụng vốn đầu tư công để các đơn vị chủ động triển khai thực hiện. Đối với các dự án sử dụng vốn sự nghiệp kinh tế, hoàn thành duyệt dự toán chi tiết; hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện, nhất là góp vốn đối ứng và tiêu thụ sản phẩm từ dự án”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

VT

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!