Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Các giải pháp nông học thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Thứ Sáu, 13:25 ngày 15/12/2023

Ngày 14/12/2023, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) cùng Liên minh các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế (CGIAR) tổ chức Hội thảo “Các giải pháp nông học thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu ở Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho IRRI, CGIAR, EiA và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ

Hội thảo thuộc khuôn khổ sự kiện gặp mặt thường niên của các nhà nghiên cứu của Sáng kiến Xuất sắc trong Nông học – Liên minh tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR-EiA). Từ khi Sáng kiến được khởi xướng vào năm 2019, CGIAR-EiA đã vươn tới 21 quốc gia, giúp đỡ hàng nghìn nông hộ nhỏ thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Với nhiều giải pháp cụ thể như cải tiến, phục tráng giống lúa, phát triển hệ thống canh tác, bón phân thông minh, nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính… các tổ chức phi Chính phủ đã hỗ trợ lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 3 đồng bằng châu thổ trên thế giới chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu. Các nông hộ ở đây dễ bị tổn thương bởi mực nước biển dâng, xâm nhập mặn. Ngành trồng trọt gặp nhiều thách thức, như diện tích đất canh tác giảm, tình trạng hạn hán, sâu, bệnh. Mặt khác, canh tác lúa chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải về lượng phát thải khí nhà kính. Đứng trước những thách thức đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT được bạn bè quốc tế ghi nhận bởi những nỗ lực xây dựng chính sách, tạo nền tảng cho đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.

Ông Oscar Ortiz, Giám đốc cấp cao lĩnh vực Hệ thống cây trồng của CGIAR chúc mừng Việt Nam và các đối tác đã chính thức khởi động Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đây là dự án quy mô lớn, cần chia sẻ rộng rãi hơn với các quốc gia trong khu vực…

Hội thảo đã cập nhật, cung cấp các thông tin về tình hình sản xuất lúa gạo ở Việt Nam và việc triển khai Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ðồng thời, cung cấp thông tin về Sáng kiến Nông học xuất sắc (EiA) - một chương trình của CGIAR được thực hiện tại nhiều khu vực trên thế giới nhằm hỗ trợ và nhân rộng các giải pháp nông học thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu đối với các nước chịu ảnh hưởng. Tại Việt Nam, IRRI thực hiện sáng kiến EiA cùng sự đồng hành của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), với kỳ vọng góp phần cùng nông dân, doanh nghiệp và ngành chức năng của Việt Nam thực hiện thành công đề án.

Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận, chia sẻ các đổi mới sáng tạo và giải pháp nông học, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm pháp thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo. Ðại diện nhiều tổ chức quốc tế cho biết, tới đây sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và triển khai sáng kiến về quản lý trồng trọt thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu…

Trong buổi Hội thảo, Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố quy trình kỹ thuật mới - quy trình kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long và ra mắt Sổ tay hướng dẫn cơ giới hóa gieo sạ tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ðồng thời, trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho IRRI, CGIAR, EiA và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ vì đã có thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển của ngành nông nghiệp và PTNT Việt Nam.

TV (t/h)

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!