Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

11 tháng năm nay, đã thu được gần 3.057 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường

Thứ Tư, 10:20 ngày 29/11/2023

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thông tin, diện tích rừng hiện có của cả nước là 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng hiện nay đạt 42,02%. Tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp đạt bình quân trên 5,0%/năm. Từ 2021 đến 2023 cả nước đã thu tiền dịch vụ môi trường rừng được 6.856 tỷ đồng, bình quân đạt 3.428 tỷ đồng/năm, 11 tháng năm 2023 đã thu được gần 3.057 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm 2023 nguồn thu đạt 3.200 tỷ đồng.

Chuyển nhượng, thương mại tín chỉ các bon rừng sẽ huy động bổ sung nguồn tài chính để tái đầu tư vào rừng. Ảnh: H. Phương

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Quốc Trị  nhận định: Ngành Lâm nghiệp đang triển khai một số chương trình, dự án với mục tiêu chung là phát huy chức năng phòng hộ của rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia; cùng với đó đã chủ động, tích cực tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, như: Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đánh giá: Dịch vụ môi trường rừng là nguồn lực rất quan trọng để góp phần vào việc phát triển kinh tế của đất nước nói chung và phát triển kinh tế lâm nghiệp nói riêng,

Thứ trưởng cho biết thêm: Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA) đã ký giữa Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Ngân hàng Thế giới đối với 6 tỉnh Bắc Trung bộ giai đoạn 2018-2024. Theo ERPA, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới với tổng giá trị là 51,5 triệu USD.

Ý định thư về mua bán giảm phát thải ký kết giữa Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) cho 11 tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ chuyển nhượng 51,5 triệu tấn CO2 ,,tương đương 51,5 triệu USD cho giai đoạn 2022-2026.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh: “Việc chuyển nhượng, thương mại tín chỉ các bon rừng sẽ huy động bổ sung nguồn tài chính để tái đầu tư vào rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho các chủ rừng, người dân nông thôn; bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường".

                                                                                                                              C. Lan

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!