Xây dựng thương hiệu sâm Việt Nam
Ngày 15/8/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Tọa đàm “Định hướng phát triển sâm Việt Nam”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan dự và chủ trì Tọa đàm.
Quang cảnh Tọa đàm
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, Việt Nam hiện có 3.055 ha diện tích trồng sâm, trong đó diện tích sâm Ngọc Linh là 3.000 ha, sâm Lai Châu 55 ha. Sâm được trồng chủ yếu dưới tán rừng (3.050 ha), sản lượng hiện tại khoảng vài tấn/năm.
Hiện nay, vấn đề xây dựng thương hiệu sâm ở Việt Nam có nhiều quan điểm khác nhau. "Ở Hàn Quốc thì gọi chung là sâm Hàn Quốc, thương hiệu của Chính phủ thì có sâm Chính phủ. Còn các vùng trồng thì có chỉ dẫn địa lý khác nhau, tuổi đời và giá thành khác nhau. Ở Việt Nam, nếu nói đến sâm quý thì là sâm Ngọc Linh, nhưng hiện có thêm sâm Lai Châu nữa. Vậy chúng ta nên tiếp cận việc xây dựng thương hiệu sâm Việt Nam hay là theo hướng các thương hiệu khác nhau như sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu?", ông Bảo chia sẻ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lai Châu Đặng Văn Châu cho biết, chúng ta có nhiều giống sâm quý, có loại sâm được đánh giá tốt nhất thế giới nhưng các tài liệu, công trình nghiên cứu về chất lượng, hàm lượng hóa học, sinh học... như thế nào chưa có khiến cho việc truyền thông, xây dựng thương hiệu cho cây sâm rất hạn chế.
Ông Huỳnh Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kon Tum đánh giá, nếu như trồng sâm trong nhà màng, chúng tôi rất mong sớm có quy trình để tỉnh áp dụng. Nếu trồng dưới tán rừng, chúng ta phải có tiêu chuẩn quốc gia về trồng sâm dưới tán rừng để làm sao không ảnh hưởng đến rừng mà cây sâm vẫn phát triển được.
Phó chủ tịch Hiệp hội sâm Lai Châu Ngô Tân Hưng cho rằng, nên tiếp cận theo hướng sâm Việt Nam để xây dựng thương hiệu, quảng bá ra quốc tế. "Nếu chúng ta cứ làm thế này thì không bao giờ xây dựng được thương hiệu sâm Việt Nam. Người Nhật Bản, Hàn Quốc đến tỉnh Lai Châu thăm vườn sâm, họ hỏi sâm Ngọc Linh là sâm gì, sâm Lai Châu là sâm gì và sâm nào là sâm Việt Nam. Chúng ta nên xây dựng thương hiệu, tuyên truyền, quảng bá theo hướng sâm Việt Nam để cùng phát triển", ông Hưng nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Thái Minh cho rằng, chúng ta phải thâm canh sâm mới có thể cho năng suất cao và xây dựng thương hiệu duy nhất là sâm Việt Nam.
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, để chương trình phát triển sâm hiệu quả, bền vững hơn, chúng ta phải thay đổi tư duy, phải tiếp cận cây sâm theo chuỗi ngành hàng. "Chúng ta thường chỉ nghĩ đến sâm là một sản phẩm đơn thuần nhưng không phải, sâm phải tích hợp giá trị to lớn của một ngành hàng. Từ sâm có thể chế biến ra nhiều sản phẩm từ thực phẩm đến mỹ phẩm... Chúng ta phải chuyển từ giá trị nông nghiệp sang giá trị công nghiệp, phải đa dạng hóa chế biến, đa dạng hóa sản phẩm để từ một sản phẩm nhiều tiền thành các sản phẩm giá rẻ ai cũng có thể mua được, dùng được", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá.
Rút ra bài học từ Hàn Quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các doanh nghiệp phải có tinh thần dân tộc, tinh thần đất nước, cùng nhau xây dựng sản phẩm, thương hiệu quốc gia mang biểu tượng của đất nước. Muốn làm được như vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy. "Trước tiên chúng ta phải thống nhất gọi tên sản phẩm, thương hiệu là sâm Việt Nam. Sau đó mới truy xuất nguồn gốc về sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu... đưa ra thị trường để khách hàng lựa chọn, tiêu dùng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bảo Nhi
-
2.
Gần 300 gian hàng tham dự Hội chợ triển lãm Nông nghiệp quốc tế lần thứ 24
-
3.
Công bố Quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT
-
4.
Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học gắn với phát triển ngành lâm nghiệp
-
5.
Cơ hội hợp tác trong nghiên cứu và giáo dục về thương mại carbon
-
6.
Khoa học và Công nghệ thủy lợi 80 năm phát triển và đồng hành cùng đất nước