Khoa học và Công nghệ thủy lợi 80 năm phát triển và đồng hành cùng đất nước
Sáng 14/11/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị Khoa học và Công nghệ thủy lợi 80 năm phát triển và đồng hành cùng đất nước (1945-2025). Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp dự và chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại Hội nghị
Trải qua gần 80 năm xây dựng và trưởng thành, ngành thủy lợi đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ một nền nông nghiệp lạc hậu, manh mún, hàng năm phải nhập khẩu lương thực, đến nay Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam có thể vượt 60 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu gạo lần đầu tiên vượt 5 tỷ USD. Thành tựu này có sự đóng góp rất lớn của hệ thống các công trình thủy lợi trên cả nước.
Quang cảnh Hội nghị
Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Tùng Phong cho biết, Việt Nam đã xây dựng được hơn 900 hệ thống thủy lợi có quy mô phục vụ từ 200 ha trở lên; trong đó, có 122 hệ thống vừa và lớn phục vụ trên 2.000 ha, hơn 40.000 km đê sông và đê biển đã được xây dựng phục vụ và bảo vệ hoạt động dân sinh, sản xuất các ngành kinh tế. Cả nước có gần 8.000 đập và hồ chứa với tổng dung tích trữ khoảng 68 tỷ m3 nước, góp phần điều hòa và phân bổ nguồn nước hiệu quả. Bước sang giai đoạn mới, thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt là bảo đảm an ninh nguồn nước, thủy lợi phải đi trước một bước. Thủy lợi đang từng bước chuyển từ tư duy kế hoạch sang tư duy chiến lược; từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị; từ tư duy điều hành sang tư duy phục vụ để tối đa hóa mục tiêu nhưng tối thiểu hóa chi phí…
Triển lãm các thành tựu khoa học công nghệ thủy lợi
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ, thành tựu 80 năm qua của ngành thủy lợi không thể tách rời vai trò then chốt của khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ đã và đang là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành. Từ những nghiên cứu cơ bản về thủy văn, địa chất công trình, vật liệu xây dựng... đến việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý vận hành công trình thủy lợi, khoa học công nghệ đã góp phần quan trọng tạo nên những bước tiến vượt bậc cho ngành.
“Ngành thủy lợi cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và thu hút nhân tài. Đồng thời, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp cận tri thức và công nghệ tiên tiến, cũng như tăng cường liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp để ứng dụng nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tiễn”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Bảo Nhi
-
2.
Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học gắn với phát triển ngành lâm nghiệp
-
3.
Cơ hội hợp tác trong nghiên cứu và giáo dục về thương mại carbon
-
4.
Thư chúc mừng nhân kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (14/11/1945 - 14/11/2024)
-
5.
Khối các đơn vị sự nghiệp kinh tế - Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện kiểm tra chéo
-
6.
Cộng đồng thực hiện đo lường các bon rừng