Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Cộng đồng thực hiện đo lường các bon rừng

Thứ Hai, 14:05 ngày 11/11/2024

Trao đổi khoa học "Đo lường các bon rừng ngập mặn - cơ hội và thách thức - trường hợp rừng ngập mặn Vĩnh Châu" diễn ra tại Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp cùng Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), ActionAid Quốc tế tại Việt Nam.

Theo đó, nghiên cứu do Viện Sinh thái rừng và Môi trường (Trường Đại học Lâm nghiệp) công bố, trong ba loài cây đặc trưng của rừng ngập mặn Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng gồm mắm, bần và đước thì mắm có tốc độ tăng trưởng các bon bình quân hàng năm cao nhất, đạt 8,06 tấn/ha, tiếp theo là bần với 6,93 tấn/ha và đước với 5,32 tấn/ha. Kết quả mật độ trung bình cây, với cây bần mật độ thấp nhất 967 cây/ha, mắm 1.567 cây/ha, đước 4.167 cây/ha. Đường kính khác nhau giữa các loài trong đó đước có kích thước thấp nhất.
Trung bình tăng trưởng toàn khu vực rừng ngặp mặn mỗi năm là 6,77 tấn/ha/năm, tương đương khoảng 24,8 tấn CO2 ha/năm. Mức này tương đương với giá trị kinh tế có thể để lại là 124 - 248 USD. 
Ông Phạm Văn Duẩn, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái rừng và Môi trường đánh giá, kết quả đo đạc này mở ra cơ hội mới cho cộng đồng, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Đặc biệt, người dân có thể tự đo được lượng sinh khối đưa ra được hệ số quy đổi trong rừng ngập mặn và từ đó xác định được nguồn tiền từ các bon rừng mang lại. Với tính khoa học, chính xác và khả năng ứng dụng cao, đây là hoạt động đóng góp vào nội dung Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật điều tra, đo đếm các bon rừng ngập mặn theo Quyết định số 316/QĐ-LN-SXLN ngày 29/10/2024 của Cục Lâm nghiệp. Đây cũng là lần đầu tiên, một hướng dẫn chuyên ngành trong lĩnh vực này được ban hành, áp dụng trên phạm vi toàn quốc. 

Cộng đồng có thể tự đo được lượng sinh khối trong rừng ngập mặn và từ đó xác định được nguồn tiền các bon rừng mang lại

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Trần Quang Bảo cho biết, diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam khoảng 200.000 ha, có tính đa dạng sinh học cao, giá trị về môi trường và có tiềm năng lớn về phát triển các bon. Lượng hấp thụ các bon của rừng ngập mặn gấp khoảng 4 lần so với rừng trên đất liền. Đây sẽ là nguồn hỗ trợ cho các cộng đồng địa phương tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng, giữ rừng. 

Trong khuôn khổ sự kiện, đã diễn ra tọa đàm giữa đại diện cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền, nhà khoa học và người dân xoay quanh các vấn đề kỹ thuật và khả năng ứng dụng phương pháp đo các bon vào việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn tại cộng đồng.

N.D


 

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!