Cơ hội hợp tác trong nghiên cứu và giáo dục về thương mại carbon
Nhằm tăng cường hợp tác trong nước, khu vực và quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong lâm nghiệp, thương mại carbon và quản lý rừng bền vững, vừa qua tại Hà Nội, Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Lợi ích carbon gắn với quản lý rừng bền vững: Đào tạo, nghiên cứu và hội nhập quốc tế. Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia và đại diện các cơ quan liên quan.
Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo dục và sinh viên chia sẻ, trao đổi kiến thức về thương mại carbon và quản lý rừng bền vững tại Việt Nam
Theo báo cáo của Ủy Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, biến đổi khí hậu chủ yếu do sự gia tăng khí nhà kính từ cách mạng công nghiệp thế kỷ 18. Giảm lượng carbon qua quản lý rừng và đất đai bền vững đã trở thành một trong những giải pháp hiệu quả. Việt Nam gia nhập vào thị trường carbon toàn cầu đã góp phần mở ra các cơ hội hợp tác quốc tế, thúc đẩy nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý tài nguyên rừng.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, khi biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và thoái hóa môi trường đang đe dọa đến sự sống còn của các hệ sinh thái, rừng Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ carbon dioxide, điều hòa chu kỳ nước, giảm xói mòn đất và bảo tồn môi trường sống cho nhiều loài.
Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề hợp tác nghiên cứu, trao đổi kiến thức về thương mại carbon và phát triển thị trường carbon bền vững tại Việt Nam; cách thức để tối ưu hóa khả năng hấp thụ carbon từ rừng, thúc đẩy kinh tế sinh thái. Cùng đó, triển khai các chiến lược, kế hoạch và chương trình lâm nghiệp bền vững, nâng cao năng lực quản lý và ứng dụng công nghệ mới, cũng như sự chủ động hội nhập quốc tế sẽ là những ưu tiên trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Quản lý rừng bền vững không chỉ giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu qua việc hấp thụ carbon, mà còn hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn nguồn nước và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng. Đây là cơ hội để trao đổi và đề xuất những giải pháp thực tiễn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
GS.TS. Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam khẳng định: Trường Đại học Lâm nghiệp cam kết thúc đẩy hợp tác quốc tế, đầu tư vào giáo dục chất lượng để trang bị cho thế hệ trẻ những kỹ năng cần thiết trong quản lý tài nguyên thiên nhiên
Hội thảo đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong nghiên cứu và giáo dục về quản lý tài nguyên rừng và thương mại carbon. Đối với Trường Đại học Lâm nghiệp đã và đang sẵn sàng góp phần đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực tham gia thị trường carbon trong thời gian tới. Trường Đại học Lâm Nghiệp đã xây dựng ngành đào tạo chuyên môn hóa về quản lý phát thải carbon, tính toán lượng hấp thụ và lưu trữ carbon, hay lồng ghép các môn học liên quan đến biến đổi khí hậu...Đồng thời, triển khai các chương trình nghiên cứu về thị trường để góp phần xây dựng chính sách carbon cho Việt Nam nói chung như những nghiên cứu về tính toán carbon rừng bằng công nghệ tiên tiến.
N.Z
-
2.
Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học gắn với phát triển ngành lâm nghiệp
-
3.
Khoa học và Công nghệ thủy lợi 80 năm phát triển và đồng hành cùng đất nước
-
4.
Thư chúc mừng nhân kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (14/11/1945 - 14/11/2024)
-
5.
Khối các đơn vị sự nghiệp kinh tế - Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện kiểm tra chéo
-
6.
Cộng đồng thực hiện đo lường các bon rừng