Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập ứng phó với bão số 3

Thứ Năm, 09:05 ngày 05/09/2024

Ngày 4/9/2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó với bão số 3 và Công điện yêu cầu bảo đảm an toàn công trình thủy lợi khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp phòng chống cơn bão số 3 vào chiều ngày 4/9/2024 tại Hà Nội

Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, bão số 3 (tên quốc tế là YAGI) đang hoạt động trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông có cường độ rất mạnh (sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14 và còn tiếp tục mạnh lên cấp 14-15, giật cấp 16-17) sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, đe dọa trực tiếp đến an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông và hoàn lưu của bão có thể gây mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến an toàn các tuyến đê sông.

Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Đối với các tuyến đê biển, đê cửa sông: Tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các tuyến đê thường xảy ra sự cố khi có bão đổ bộ, các vị trí đê, kè đã bị xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục (như đê biển Cồn Tròn, Hải Thịnh và sự cố sạt lở kè biển Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu, tỉnh Nam Định), các công trình đê điều đang thi công dở dang (nhất là đối với các cống tiêu số 1, số 2 trên tuyến đê biển Hà Nam, tỉnh Quảng Ninh), các tuyến đê biển chưa được gia cố mặt đê, mái đê phía đồng nguy cơ bị sạt lở khi sóng tràn qua (như tuyến đê biển Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình); trong đó phải khẩn trương hoàn thành gia cố các vị trí có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ. Bố trí sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.

Đối với các tuyến đê sông: Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu; khẩn trương gia cố các vị trí đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đê điều đang thi công dở dang để chủ động ứng phó với tình huống mưa lớn kéo dài do hoàn lưu của bão và vận hành điều tiết xả lũ của các hồ chứa có thể gây lũ trên hệ thống sông. Tăng cường công tác kiểm tra đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 (như Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có ý kiến gửi UBND các tỉnh, thành phố tại văn bản số 5218/BNN-ĐĐ ngày 22/7/2024).

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ giúp ngư dân đưa phương tiện lên bờ tránh trú bão số 3. (Ảnh: Sơn Hà)

Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo của cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn, các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và chỉ đạo các cấp có thẩm quyền để thực hiện phương án bảo đảm an toàn, vận hành công trình thủy lợi tiêu nước phục vụ chống úng, ngập.

Rà soát, khoanh vùng cụ thể diện tích cây trồng có nguy cơ bị ngập lụt, úng để có phương án tiêu úng cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng. Xác định công trình trọng điểm, nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lớn để chủ động triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, bảo đảm an toàn công trình; đặc biệt quan tâm an toàn các hồ thủy lợi đang thi công, hồ thủy lợi xung yếu; đối với hồ thủy lợi xung yếu, không đảm bảo an toàn cần xem xét không tích nước.

Thực hiện vận hành các hồ chứa nước theo quy trình vận hành được phê duyệt; các hồ chứa có cửa van xả lũ, thực hiện điều chỉnh mực nước hồ để chủ động đón lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du; đồng thời thực hiện tích nước hợp lý đối với các hồ chứa đang có dung tích trữ thấp. Thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố.

Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ; bố trí nhân lực thường trực tại công trình có nguy cơ xảy ra sự cố; kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm "bốn tại chỗ" khi có nguy cơ xảy ra sự cố công trình...

TV

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!