Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Thông qua Dự thảo Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia

Thứ Bảy, 10:05 ngày 15/06/2024

Chiều 14/6/2024, Hội đồng thẩm định Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng. Các thành viên của Hội đồng thẩm định đánh giá cao và đã nhất trí thông qua dự thảo Quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết dự thảo Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia đặt mục tiêu thu dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm. Ảnh: Văn Chứ

Quy hoạch lâm nghiệp là 1 trong 4 quy hoạch ngành quốc gia do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức lập. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT: Quy hoạch Lâm nghiệp Quốc gia được xây dựng trong bối cảnh diện tích rừng tăng nhưng chất lượng của rừng chưa cao. Năng suất rừng trồng còn thấp, chưa đáp ứng được đòi hỏi của ngành chế biến gỗ và xuất khẩu. Trình độ công nghệ trong các lĩnh vực của ngành còn thấp; môi trường đầu tư nhiều rủi ro, chủ yếu là tại khu vực có điều kiện khó khăn, hạ tầng cơ sở, dịch vụ kém chất lượng.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do rừng phân bố trên phạm vi rộng, tập trung nhiều ở các vùng có điều kiện khó khăn, địa hình chia cắt phức tạp, cơ sở hạ tầng thấp kém. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, thiên tai xảy ra thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng.

Nhận thức của xã hội về vai trò và các giá trị của rừng chưa đầy đủ. Nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư bảo vệ, phát triển rừng còn thấp so với yêu cầu, trong khi gặp nhiều khó khăn về huy động nguồn lực xã hội.

Theo Dự thảo Quy hoạch, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn quốc thời kỳ 2021-2030 là 15.848,5 nghìn ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch rừng đặc dụng chiếm 15,5%, rừng phòng hộ chiếm 33%, rừng sản xuất chiếm 51,5%.

Dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030 là 217.305 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 cần khoảng gần 107.000 tỷ, chiếm gần 50% tổng nhu cầu vốn.

Tại phiên họp, các thành viên của Hội đồng thẩm định đánh giá dự thảo Quy hoạch được xây dựng từ năm 2020 đến nay đã qua nhiều lần lấy ý kiến, thẩm định. Cơ quan lập quy hoạch đã tiếp thu đầy đủ và giải trình nghiêm túc các ý kiến góp ý.

Hội đồng đã bỏ phiếu nhất trí thông qua dự thảo Quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh cần hạn chế tối đa việc điều chỉnh, đưa ra ngoài quy hoạch đối với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bởi rừng đang là lợi thế của Việt Nam, không chỉ tạo sinh kế cho người dân mà còn giúp bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu dự thảo Quy hoạch, gửi các ý kiến góp ý bổ sung (nếu có) để Bộ Nông nghiệp và PTNT hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch.

 

Trước đó, ngày 21/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 433/QĐ-TTg kiện toàn thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch Lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hội đồng). Theo quyết định, Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Phó Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan. Ủy viên phản biện gồm có: ông Triệu Văn Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam; ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội chủ rừng Việt; ông Cao Chí Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam. Chuyên gia độc lập là ông Nguyễn Hoàng Nghĩa (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam).

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!