Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia nhằm quản lý, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024 phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật.
Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia chú trọng nâng cao chất lượng rừng. Ảnh: Duy Vũ
Mục tiêu cụ thể của Quy hoạch, đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42% đến 43%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên hiện có. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5% đến 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030. Giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng 1,5 lần vào năm 2025 và đến năm 2030 tăng 2 lần so với năm 2020. Tổng thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.500 tỷ/năm giai đoạn 2021 - 2025 và 4.000 tỷ đồng giai đoạn 2026 - 2030. Đến 2030, 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học và đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng, giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Theo định hướng quy hoạch lâm nghiệp toàn quốc đến năm 2030 đề ra: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chọn tạo giống mới có năng suất, chất lượng cao, giống cây bản địa mọc nhanh có năng suất, chất lượng phục vụ phát triển rừng sản xuất, rừng gỗ lớn. Đảm bảo cung cấp bình quân 575 triệu cây/năm. Đảm bảo tỷ lệ nguồn cây giống cho trồng rừng được kiểm soát đạt tối thiểu 95%. Tiếp tục duy trì thực hiện các loại dịch vụ môi trường rừng hiện có đối với dịch vụ điều tiết cung cấp nước cho các công trình thuỷ điện, nước sinh hoạt, nước công nghiệp; nghiên cứu, mở rộng thêm các loại hình dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon rừng, dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và nuôi trồng thủy sản...
Quy hoạch cũng nêu rõ, có 7 nhóm giải pháp và có 9 lĩnh vực nhà nước ưu tiên hỗ trợ đầu tư. Đó là chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong sản xuất lâm nghiệp. Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng sản xuất. Hệ thống kết cấu hạ tầng trong trồng rừng sản xuất. Sản xuất giống cây rừng chất lượng cao. Các mô hình hợp tác, liên kết trong bảo vệ và phát triển rừng tại những vùng đặc biệt khó khăn. Các hoạt động bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên tại các vùng miền núi, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ phát triển cộng đồng phát triển sinh kế và cải thiện đời sống người dân vùng đệm của các khu rừng đặc dụng. Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực. Xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường...
Thực hiện Quy hoạch này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong vòng 30 ngày kể từ ngày Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, hoàn thành việc bàn giao cho các địa phương có rừng bản đồ số, tỷ lệ 1/100.000. Đồng thời công bố, công khai Quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch; xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch; cung cấp dữ liệu có liên quan để cập nhật vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định; tham mưu đề xuất thực hiện các nhiệm vụ giải pháp cần thiết theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật liên quan.
Thu Lan
-
2.
Giải pháp tài chính, tín dụng thúc đẩy “Tam nông” phát triển nhanh và bền vững
-
3.
Ra mắt cuốn sách “Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, những ký ức và kỷ niệm”
-
4.
Các bon rừng - Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng
-
5.
Giữ màu xanh cho rừng Chư Mom Ray
-
6.
Tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ Đông 2024