Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Nghị định số 91/2024/NĐ-CP: Các đơn vị kinh doanh du lịch sinh thái phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng

Thứ Hai, 09:30 ngày 05/08/2024

Nghị định số 91/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp được ban hành nhằm cụ thể hóa các quy định tại Luật Lâm nghiệp giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật; đồng thời điều chỉnh một số quy định hiện hành để giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn, bổ sung những quy định mới đã được thực tiễn kiểm nghiệm...

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, giải trí tại các khu rừng.  Ảnh: T. Uyên

Theo đó, một số điểm cần lưu ý trong Nghị định số 91/2024/NĐ-CP quy định sửa đổi, bổ sung về dịch vụ môi trường rừng như đối tượng, mức chi trả, hình thức chi trả, quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng... đã được quy định cụ thể, chi tiết. Đó là, bổ sung quy định về điều tiết phù hợp cho diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng: Đối với diện tích rừng có số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ bình quân của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng, tùy theo đối tượng trên cùng địa bàn cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức điều tiết phù hợp cho diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng tại các lưu vực có số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng bình quân 01 ha từ thấp nhất trở lên.
Bổ sung danh mục các cơ sở công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước làm cơ sở để xác định cụ thể ngành nghề cơ sở công nghiệp có sử dụng nước để thực hiện nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Luật Lâm nghiệp. Quy định cụ thể về vị trí của các đơn vị kinh doanh du lịch sinh thái có sử dụng dịch vụ môi trường rừng, bao gồm: Các hoạt động dịch vụ lữ hành, vận tải khách du lịch, lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống, thể thao, vui chơi giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, tham quan, quảng cáo: “có vị trí nằm trong phạm vi khu rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng của chủ rừng hoặc có vị trí tiếp giáp với khu rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng”. 
Đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản là tổ chức nuôi trồng thủy sản hoặc liên kết với các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh sách tổ chức phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể các hạng mục được sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, chủ rừng, Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức khác được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng xây dựng phương án sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng phục vụ cho công tác bảo vệ rừng. Cụ thể, chủ rừng là các doanh nghiệp: Tiền dịch vụ môi trường rừng nhận được là nguồn thu của doanh nghiệp, được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp sau khi trừ chi phí cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. 
Chủ rừng là tổ chức (không bao gồm các doanh nghiệp) không khoán bảo vệ rừng hoặc khoán một phần diện tích, toàn bộ số tiền nhận được tương ứng với diện tích rừng tự bảo vệ được sử dụng cho các hoạt động phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của chủ rừng, trong trưòng hợp chủ rừng là tổ chức có khoán bảo vệ rừng cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, kinh phí quản lý được trích 10% tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả cho diện tích rừng khoán bảo vệ để chi cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của chủ rừng.  
                                  T.Uyên  

 

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!