Năm 2024, ngành chăn nuôi phấn đấu đạt tổng sản lượng thịt hơi các loại khoảng 8,1 triệu tấn
Ngày 27/7/2024, tại tỉnh Quảng Bình, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2024. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến dự và chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, trong 6 tháng đầu năm 2024, trước nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục, giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao, tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi còn diễn biến phức tạp nhưng dưới sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Nông nghiệp và PTNT, ngành chăn nuôi đã linh hoạt thích ứng đảm bảo phát triển tương đối ổn định. Tại một số tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ đang có tốc độ tăng trưởng chăn nuôi khá cao do các doanh nghiệp chăn nuôi mở rộng sản xuất và nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. Cụ thể, đàn lợn tăng khoảng 2,9%, sản lượng thịt hơi đạt 2.536 nghìn tấn; đàn gia cầm ước tăng 2,3%, sản lượng thịt hơi 1,21 triệu tấn; trứng gần 10,1 tỷ quả; đàn trâu ước giảm 3,9%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 62,1 nghìn tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2023; đàn bò ước giảm 0,9%, sản lượng thịt 255,9 nghìn tấn, tăng 1,1%; sản lượng sữa 643,7 nghìn tấn, tăng 5,5%...
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng cho biết, có được kết quả trên là ngay từ đầu năm 2024, ngành chăn nuôi đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, phối hợp triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh và duy trì phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, một phần cho xuất khẩu và góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Cục Chăn nuôi đã phối hợp các bộ ngành, địa phương liên quan tăng cường chỉ đạo các địa phương phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kiểm soát nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Nhờ đó, ngành chăn nuôi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định cả về tổng đàn và giá trị… Phấn đấu trong năm 2024, ngành chăn nuôi đạt tổng sản lượng thịt hơi các loại khoảng 8,1 triệu tấn.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, từ nay đến cuối năm, đặc biệt là những tháng giáp Tết nguyên đán, ngành chăn nuôi cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Cục Chăn nuôi và các địa phương tăng cường công tác phối hợp, chỉ đạo trong việc kiểm soát dịch bệch, ổn định thị trường, kiểm tra an toàn thực phẩm và thực phẩm nhập khẩu cũng như tình trạng nhập lậu qua biên giới. Tăng cường công tác truyền thông liên quan đến dịch bệnh để người dân chủ động phòng tránh vì dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống, tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng giống của các địa phương, cơ sở chăn nuôi giống lợn, gia cầm. Kiểm tra, đánh giá và khảo sát về tình hình sản xuất, nguồn cung ứng con giống cho sản xuất chăn nuôi tại một số địa phương. Tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm. Triển khai công tác quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, kiểm soát sử dụng chất cấm, kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Tăng cường giám sát quản lý chất lượng vật tư lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là kiểm soát an toàn thực phẩm. Phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan tiến hành xử lý các vụ việc vi phạm về chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi...
T.H.Thành
-
2.
Triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập ứng phó với bão số 3
-
3.
Lệnh mở cửa xả đáy hồ Hòa Bình, Tuyên Quang ứng phó bão số 3
-
4.
30 năm hành trình chất lượng nông lâm thủy sản Việt Nam
-
5.
Hội thao chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9
-
6.
Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia nhằm quản lý, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp