Khẩn trương khắc phục hậu quả sau mưa bão
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có Báo cáo về tiến độ và ảnh hưởng của mưa bão đến sản xuất lúa Hè Thu, Mùa 2024 các tỉnh phía Bắc.
Theo Cục Trồng trọt, diện tích lúa Hè Thu 2024 tại các tỉnh Bắc Trung bộ gieo cấy xong, đạt khoảng 170 nghìn ha, lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, phân hóa đòng, trỗ; một số diện tích gieo cấy sớm chạy lũ trỗ cơ bản xong, lúa sinh trưởng phát triển tốt.
Diện tích lúa Mùa đã gieo cấy được khoảng 975 nghìn ha/998 nghìn ha kế hoạch, đạt khoảng 97,7%; diện tích còn lại tập trung tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, chủ yếu là diện tích lúa gieo trên chân đất gieo cấy vụ Đông Xuân nhờ nước trời, dự kiến gieo cấy xong trước 10/8/2024. Hiện các địa phương đang tiếp tục đi kiểm tra, rà soát lại diện tích bị ảnh hưởng và phân loại mức độ thiệt hại để có cơ sở đề xuất hỗ trợ nông dân theo quy định.
Nông dân cấy dặm diện tích lúa đã hỏng
Cục khuyến cáo một số giải pháp chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa bão gồm:
Tranh thủ kỳ con nước huy động mọi nguồn lực để tiêu úng, khơi thông các dòng chảy, sử dụng các máy bơm để thoát nước nhanh; phân loại diện tích lúa bị ngập úng để có biện pháp khắc phục kịp thời; có điều kiện tiêu nước đệm trên hệ thống “tháo cạn lòng sông, giữ nông mặt ruộng” đề phòng mưa lớn còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Với diện tích lúa gieo cấy sớm, không bị ngập trắng:
- Thực hiện các biện pháp chăm sóc kịp thời như bón thúc đợt 2, bón hết lượng phân thúc còn lại, chủ yếu là Kali clorua, phun thêm các chất hỗ trợ sinh trưởng, phân qua lá cho lúa để cây lúa nhanh chóng phục hồi, sinh trưởng phát triển tốt;
- Bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại như bệnh lùn sọc đen, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá, sâu cuốn lá, sâu đục thân... để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Với diện tích lúa bị ngập 2-4 ngày, thoát nước kịp, có khả năng hồi phục, diện tích này chủ yếu trên chân mới gieo cấy:
- Điều chỉnh mực nước tiêu thoát đảm bảo cây lúa không bị rạp trên mặt nước; té nước rửa lá để không bị rong rêu, bùn đất bám trên bề mặt lá, để tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa quang hợp;
- Tỉa dặm những chỗ lúa chết, mất khoảng bằng cách tỉa san từ các khóm lúa đẻ nhiều dảnh trên ruộng hoặc mạ cùng giống còn giâm trên ruộng chân cao không bị ngập úng;
- Khi lá lúa khô và cứng dần, nhô cao mặt nước trên 10cm, xuất hiện lá mới cần phun các chế phẩm sinh học như siêu lân, Pennac P... giúp cây phục hồi nhanh, liều lượng như trong bao bì hướng dẫn;
- Rút nước cạn chỉ để láng mặt ruộng và nhổ lúa quan sát thấy đã ra rễ non khẩn trương bón thúc ngay lượng phân thúc lần 1. Ưu tiên sử dụng phân NPK chuyên dùng có hàm lượng đạm và kali cân đối. Không sử dụng đạm đơn và không bón phân lai rai nhằm hạn chế sâu bệnh hại và đổ ngã cuối vụ.
Với những vùng lúa vùng trũng ngập nước kéo dài trên 4 ngày không có khả năng phục hồi, lúa bị thối lá, đen rễ:
- Bừa san lại ruộng, rút cạn nước và tranh thủ cấy ngay khi còn trong khung thời vụ, với mạ đã gieo được 3-4 lá, có thể tỉa từ các chân ruộng gieo sạ, gieo vãi quá dầy để cấy hết diện tích;
- Sử dụng giống ngắn ngày như: Giống lúa P6 đột biến, HN6, Khang dân 18, Khang dân đột biến, BT7, Việt lai 20, TH3-3, nếp IRi352, N97, giống lúa phản ứng ánh sáng ngày ngắn như Bao Thai, Mộc Tuyền, Nếp cái hoa vàng…
Ngâm ủ gieo mạ nền cứng hoặc gieo thẳng ngay nếu rút nước kịp thời; kết thúc gieo cấy trước 10/8. Chăm sóc, bảo vệ mạ gieo bổ sung, bón thúc, tưới thúc NPK khi mạ được trên 2 lá, phun KH, ET, siêu lân, Pennac P… để tăng cường khả năng ra rễ cho mạ. Trường hợp không còn thời vụ gieo cấy, sau khi nước rút tiến hành vệ sinh đồng ruộng và chủ động chuyển đổi sang trồng các loại rau màu phù hợp.
TV
-
2.
Triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập ứng phó với bão số 3
-
3.
Lệnh mở cửa xả đáy hồ Hòa Bình, Tuyên Quang ứng phó bão số 3
-
4.
30 năm hành trình chất lượng nông lâm thủy sản Việt Nam
-
5.
Hội thao chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9
-
6.
Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia nhằm quản lý, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp