Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Giữ màu xanh cho rừng Chư Mom Ray

Thứ Sáu, 08:10 ngày 04/10/2024

Vườn Quốc gia Chư Mom Ray là một trong 3 vườn di sản ASEAN của Việt Nam, có diện tích lớn nhất, tính đa dạng sinh học cao nhất trong cả nước. Những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần không nhỏ vào việc giữ màu xanh cho rừng Chư Mom Ray.

VQG Chư Mom Ray có tiềm năng rất lớn để cung cấp các loại dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: N.Z

Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (VQG) tiền thân là Khu Bảo tồn Thiên nhiên Chư Mom Ray được thành lập vào năm 2002. Hiện nay, tổng diện tích tự nhiên của VQG là 56.249 ha, nằm trên địa bàn 7 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. VQG Chư Mom Ray còn được gọi là khu bảo tồn sinh học xuyên quốc gia. Nơi đây nằm ở phía Bắc của Tây Nguyên thuộc tỉnh Kon Tum, phía Tây giáp với VQG Virachey của Campuchia; phía Tây Bắc giáp với Khu Bảo tồn Đông Nam Ghong của Lào, là điểm chạm của ba quốc gia.

VQG Chư Mom Ray có hệ sinh thái rừng đa dạng và phong phú với 5 kiểu thảm thực vật rừng chính, đại diện vùng sinh thái lâm nghiệp Tây Nguyên; giá trị đa dạng sinh học cao, là nơi phân bố và phát triển của nhiều loài động, thực vật quý, hiếm, đặc hữu có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới, cần được ưu tiên bảo tồn.

Kết quả điều tra về thực vật đã thống kê được ở VQG Chư Mom Ray có 1.895 loài thuộc 184 họ và 877 chi. Các loài thực vật quý hiếm như: Kim giao, thông tre, trắc, cẩm lai… Về động vật, VQG Chư Mom Ray đã thống kê được 950 loài, thuộc 44 bộ, 155 họ và 610 chi. Các loài động vật quý hiếm như: Bò tót, bò rừng, trâu rừng, hổ, báo hoa mai, voọc chà vá... Với giá trị cao về đa dạng sinh học năm 2003, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã công nhận VQG Chư Mom Ray là di sản ASEAN.

Hiện tại, VQG Chư Mom Ray có gần 10.000 ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng thuộc nhóm bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối lưu vực sông Nam Sa Thầy, do các thủy điện chi trả. Mức chi trả cho các dịch vụ cung ứng môi trường trong thời gian qua, tương đối ổn định đã tạo ra nguồn thu để thực hiện các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn, số vụ vi phạm phần nào đã được kiểm soát.

Hoạt động truyền thông về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với học sinh tại Vườn. Ảnh: N.Z

Giám đốc VQG Chư Mom Ray Đào Xuân Thủy cho biết: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần không nhỏ vào việc giữ màu xanh cho rừng Chư Mom Ray. Cụ thể, người dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng ở các xã Sa Sơn, Sa Nhơn, Rờ Kơi (Sa Thầy) và Sa Nhoong, Bờ Y (Ngọc Hồi) đã có nguồn thu ổn định hơn từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, giúp họ cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, gắn bó với rừng. Ban quản lý bảo vệ rừng VQG được hỗ trợ trang bị thêm nhiều thiết bị, áp dụng các phần mềm công nghệ: GIS, WebGis, công cụ SMART vào hoạt động tuần tra, kiểm tra rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng đạt hiệu quả tốt.

Ngoài cung ứng dịch vụ môi trường rừng cho các công trình thủy điện hiện nay thì VQG Chư Mom Ray còn có tiềm năng rất lớn để cung cấp các loại dịch vụ môi trường rừng khác. Đó là cung cấp môi trường rừng cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khi thực hiện Đề án phát triển du lịch sinh thái sau này.

Cùng đó, với diện tích rừng VQG Chư Mom Ray đang quản lý, cho khả năng hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng là rất lớn. Theo dự tính hằng năm, thì khả năng hấp thụ hơn 3 triệu tấn CO2. Đây cũng là nguồn thu rất lớn của VQG trong tương lai nếu thị trường các bon rừng được thương mại hóa.

                                                                                                                        Nguyễn Zũng

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!