Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Để Luật Lâm nghiệp đi vào cuộc sống

Thứ Tư, 09:50 ngày 20/03/2024

Ngày 19/3/2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trong lĩnh vực lâm nghiệp. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Quốc Trị chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Quốc Trị phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Cục Lâm nghiệp cho biết, Ngày 15/11/2017 tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Lâm nghiệp thay thế Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Triển khai thi hành Luật Lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp nay là (Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm) đã tham mưu ban hành 39 văn bản (11 Nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 26 Thông tư) để quy định chi tiết và tổ chức thi hành Luật Lâm nghiệp.

Tính đến nay hệ thống pháp luật về lâm nghiệp sau khi Luật Lâm nghiệp được ban hành đã cơ bản đầy đủ, điều chỉnh toàn bộ các hoạt động về lâm nghiệp theo chuỗi từ quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản.

Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lâm nghiệp, Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm đã tham mưu Bộ trình Chính phủ xem xét ban hành 04 văn bản: Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP; Nghị định thay thế Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và 84/2021/NĐ-CP);

Năm 2024, tiếp tục tham mưu xây dựng 04 văn bản: Lập đề nghị Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; Nghị định quy định về thanh lý rừng trồng; Nghị định về nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng.

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị đã thảo luận về các văn bản quy phạm pháp luật mới trong lâm nghiệp như Điều 248 Luật Đất đai năm 2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp năm 2017. Nghị định số 04/2024/NĐ-CP ngày 12/01/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Nghị định số 27/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Thông tư số 13/2023/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về quản lý rừng bền vững. Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2028 quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng…

Đại diện ngành nông nghiệp và PTNT một số địa phương nêu kiến nghị, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực lâm nghiệp cơ bản đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn thi hành các quy định để giải quyết một số vấn đề như: xử lý cây ngoại lai trong rừng đặc dụng; tháo gỡ khó khăn cho các chủ rừng phát triển du lịch sinh thái; trồng rừng thay thế bằng thực hiện biện pháp kỹ thuật lâm sinh để nâng cao chất lượng rừng và bảo vệ môi trường; hướng dẫn cụ thể về thanh lý rừng trồng không thành rừng…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh, để các quy định pháp luật đi vào cuộc sống, giải quyết những tồn tại mà thực tiễn đang đặt ra, các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp, nhất là các địa phương phải thống nhất nguyên tắc: Muốn triển khai văn bản quy phạm pháp luật hiệu quả trước hết phải hiểu thật kỹ lưỡng, thấu đáo văn bản, quy định đó. Đồng thời, chỉ triển khai khi có quy định của pháp luật, theo đúng thẩm quyền, không nóng vội, chủ quan.

“Bên cạnh việc góp ý, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, những địa phương trong thời gian qua để xảy ra tình trạng cháy rừng, phá rừng cần khẩn trương rà soát, chủ động xây dựng phương án cụ thể để tình trạng này không còn tái diễn. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác bảo vệ, phòng cháy rừng. Về trồng rừng, ưu tiên sử dụng các giống nuôi cấy mô cho năng suất, chất lượng cao…”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị chỉ đạo.

TV

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!