Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới
Chiều ngày 5/9/2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) về nguồn vốn vay cho Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Quang cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT) chia sẻ, Đề án triển khai tại 12 địa phương vùng ĐBSCL, gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long (trừ Bến Tre). Dự kiến sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2024 - 2025 với nhiệm vụ cụ thể là củng cố 180 ngàn ha của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT). Giai đoạn 2, từ năm 2025 - 2030, mở rộng thêm 820 ngàn ha với việc tập trung vào đầu tư cho những vùng diện tích mới, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống MRV.
Về tài chính, dự kiến đến năm 2030, Đề án sẽ cần nguồn lực khoảng 3 tỷ USD, trong đó 1 tỷ USD từ nguồn vốn vay nước ngoài. Trong đó, Ngân hàng Thế giới sẵn sàng tham gia với nguồn vốn dự kiến khoảng 330 triệu USD.
“Việc lựa chọn Ngân hàng Thế giới làm đối tác cho dự án, bởi đây là đối tác chiến lược, đã đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và PTNT trong xây dựng và triển khai Đề án, cùng với kinh nghiệm triển khai thành công Dự án VnSAT trước đây”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần có cơ chế đặc thù để khơi thông nguồn vốn vay nước ngoài, kịp tiến độ triển khai Đề án. Ngoài việc đảm bảo tiến độ, việc áp dụng cơ chế đặc thù còn đảm bảo được tính đồng bộ, hỗ trợ tốt cho mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, phù hợp với yêu cầu của đối tác. Buổi làm việc này các bên có liên quan cùng chia sẻ và đưa ra các giải pháp để dự án đi vào hoạt động, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ sớm hoàn thiện tờ trình gửi Chính phủ.
Bà Kathy Whimp, Giám đốc điều hành hoạt động dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam hoan nghênh mục tiêu Đề án nhằm hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo. Đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa. Ngân hàng Thế giới có thể hỗ trợ tiếp cận các tổ chức hỗ trợ tài chính cho giảm phát thải và thị trường tín chỉ carbon chất lượng cao cho lúa gạo, trước mắt là nguồn vốn trị giá 40 triệu USD, kèm theo một khoản viện trợ không hoàn lại. Ngân hàng Thế giới cam kết sẽ đồng hành với ngành nông nghiệp Việt Nam để triển khai Đề án một cách hiệu quả nhất…
TV
-
2.
Giải pháp tài chính, tín dụng thúc đẩy “Tam nông” phát triển nhanh và bền vững
-
3.
Ra mắt cuốn sách “Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, những ký ức và kỷ niệm”
-
4.
Các bon rừng - Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng
-
5.
Giữ màu xanh cho rừng Chư Mom Ray
-
6.
Tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ Đông 2024