Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Chia sẻ kinh nghiệm canh tác trên sa mạc của Israel

Thứ Bảy, 08:10 ngày 11/05/2024

Ngày 10/5/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm canh tác trên sa mạc của Israel”. Hội thảo được tổ chức trực tuyến tại 43 tỉnh, thành phố và 71 điểm cầu.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam đã có nhiều vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn. Thế giới đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nước, vì vậy những điều Israel đang làm mang lại niềm hy vọng cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

“Thông qua hội thảo, ngành nông nghiệp Việt Nam có thể tiếp thu kinh nghiệm từ quốc gia xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu công nghệ, thiết bị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đề nghị phía Israel hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam để có những quyết sách thay đổi tiếp cận đối với nền nông nghiệp khan hiếm nước”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn.

Ngài Yaro Meyer, Đại sứ Israel tại Việt Nam chia sẻ, công nghệ tưới tiết kiệm nước là đòn bẩy để giúp người nông dân Việt Nam cải thiện sinh kế. Israel cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề như hạn hán, khan hiếm nước nhưng quan điểm của đất nước là biến thách thức bằng cơ hội bằng công nghệ. Ngày nay Israel không còn thiếu nước. Israel có các công nghệ lõi là công nghệ tưới tiết kiệm nước là công nghệ tưới tiêu, tưới phun và công nghệ tái sử dụng nước, khử mặn nước biển thành nước ngọt, xây dựng bể nước chứa. Ngoài ra, còn thực hiện nhiều chiến dịch để nâng cao nhận thức của người dân về tiết kiệm nước, xây dựng văn hóa tiết kiệm nước.

Ông Gal Saf, Tham tán Thương mại Israel cho biết, 45% dân số thế giới sẽ sống trong điều kiện thiếu nước ngọt vào năm 2050. Với bối cảnh áp lực nước ngọt như vậy, Israel cũng gặp một số bất lợi về nguồn nước mà nước này phải đối mặt đến từ vị trí địa lý (60% là sa mạc); nhu cầu cung cấp nước lớn phục vụ 9 triệu dân, tưới tiêu cho 200.000 ha đất nông nghiệp, đặc biệt trong những đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài. Từ đó, Israel đã nghiên cứu để tạo ra nhiều nước hơn nhờ tái sử dụng, tái chế và khử mặn… Đồng thời dùng ít nước từ nguồn nước có sẵn cho sản xuất nông nghiệp như sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ nhà kính, nhà màng.

Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong cho biết, Việt Nam đã có 530.000 ha áp dụng tưới tiết kiệm nước, nhưng cơ bản là tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt còn rất ít. Ngành nông nghiệp mong muốn Israel hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực dự báo về hạn hán, xây dựng quy hoạch, kế hoạch trong vùng khô hạn; hay đào tạo, xây dựng mô hình ứng dụng tưới tiết kiệm…

TV

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!