Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo về lúa gạo
Trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, ngày 13/12/2023, tại thành phố Vị Thanh, Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo quốc tế “Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo về lúa gạo”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đồng chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung phát biểu tại Hội thảo
Hiện lúa gạo là nguồn lương thực chính của hơn một nửa dân số thế giới, việc đảm bảo nguồn cung, phân phối bền vững là yếu tố then chốt để duy trì ổn định chính trị - xã hội ở nhiều quốc gia. Đồng thời, cải thiện ngành hàng lúa gạo là giải pháp tối ưu để tăng thu nhập, đảm bảo sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trồng lúa ở Việt Nam, cũng như nhiều nước trồng lúa trên thế giới. Một tương lai không còn nạn đói, đòi hỏi nỗ lực tập thể, sự hợp tác của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung cho biết, lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống, quan trọng của Việt Nam, những năm qua nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới. Hiện, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao trong những năm qua... Có được những thành quả đó là sự đóng góp không nhỏ của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong ngành hàng lúa gạo.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ, để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững, rất cần phải đẩy mạnh đưa khoa học công nghệ vào sản xuất và nhân rộng các mô hình, cách làm hay và những đổi mới, sáng tạo trong ngành lúa gạo. Hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững, thuận thiên với môi trường, đây cũng là xu thế tất yếu hiện nay và lâu dài.
Hội thảo đã chia sẻ thông tin, kết nối kết quả nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong lúa gạo tại Việt Nam và trên thế giới. Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về áp dụng cơ giới hóa, quy trình canh tác tiên tiến thích ứng biến đổi khí hậu, giống mới kháng sâu, bệnh, chống chịu hạn, mặn và có năng suất, chất lượng tốt, phát thải thấp. Ứng dụng các công nghệ mới tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng từ lúa gạo, từ phụ phẩm rơm rạ, phát triển nông nghiệp tuần hoàn từ phụ phẩm... để giảm chi phí, nâng cao chuỗi giá trị. Thúc đẩy áp dụng các nhóm giải pháp công nghệ theo chuỗi sản xuất lúa gạo để phát triển sản xuất xanh, bền vững, phát thải thấp và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI)
"Phải khẳng định, trong những năm qua, với sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng các nhà khoa học, các doanh nghiệp, bà con nông dân… việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã góp phần làm lên lịch sử ngành hàng lúa gạo với những kết quả như ngày hôm nay. Tuy nhiên, để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục là động lực phát triển của ngành hàng lúa gạo với giá trị cao, bền vững, phát thải thấp thì việc tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo là giải pháp tất yếu và quan trọng", Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.
Lê Huy
-
2.
Phát triển ngành công nghiệp sinh học có giá trị cao, bền vững
-
3.
Khoa học công nghệ phải mang tính đột phá
-
4.
Tăng cường phối hợp hoạt động khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp
-
5.
Hội nghị toàn quốc về Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực thuỷ sản
-
6.
Hội nghị toàn quốc về Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực lâm nghiệp