Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Hội nghị toàn quốc về Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực lâm nghiệp

Thứ Bảy, 15:30 ngày 07/10/2023

Trong 2 ngày 5 - 6/10/2023, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực lâm nghiệp. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của các đơn vị trong và ngoài ngành lâm nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị 

Báo cáo tham luận của các đơn vị trong ngành lâm nghiệp cho thấy, trong những năm vừa qua, ngành lâm nghiệp đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc nâng cao diện tích, chất lượng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; cải thiện hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Tính tới tháng 12/2022, tổng diện tích rừng của Việt Nam là 14.790.075 ha, đạt tỷ lệ che phủ của rừng là 42,02%. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 15,7 tỷ USD. Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ hai châu Á và thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Để đạt được thành công trên là nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ trong việc phát triển lâm nghiệp, trong đó quan trọng nhất là hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trên cơ sở các chính sách lớn của Nhà nước và của ngành đã được ban hành như: Luật Khoa học và Công nghệ; Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình Mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng…, ngành lâm nghiệp đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ. Công tác quản lý và triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong giai đoạn vừa qua đã có những thay đổi căn bản, các nhiệm vụ được thực hiện theo chuỗi, liên ngành và qua nhiều giai đoạn để đạt được sản phẩm khoa học công nghệ có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất. Việc công nhận giống cây trồng lâm nghiệp mới và các tiến bộ kỹ thuật mới đã được quan tâm và đẩy mạnh. Qua đó đã góp phần bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao năng suất và chất lượng rừng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân sống dựa vào rừng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, khoa học công nghệ có vai trò rất quan trọng, quyết định sức cạnh tranh của ngành hàng, của doanh nghiệp, của đất nước. Vượt qua nhiều khó khăn, có thể thấy, trong hơn 10 năm qua ngành lâm nghiệp đã đạt được những kết quả rất to lớn, đóng góp cho nền kinh tế, cho xã hội và xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, có một thực tế là đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn chế, cơ chế chính sách còn ràng buộc, nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng suy giảm…

Chỉ ra nhiều hạn chế của ngành lâm nghiệp trong những năm qua, ở cả vấn đề chủ quan lẫn khách quan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị 5 nhóm vấn đề ngành lâm nghiệp cần tập trung trong giai đoạn tới, đó là: Đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo giống lâm nghiệp nhập nội và bản địa, chủ lực là gỗ lớn; nghiên cứu xây dựng quy trình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và cây lâm sản ngoài gỗ đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với từng vùng trồng rừng trọng điểm; nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị nguyên liệu phụ trợ; nghiên cứu các giải pháp, biện pháp kỹ thuật nhằm phục hồi, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng và môi trường rừng; nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị ngành lâm nghiệp đặc biệt lưu ý đến vấn đề kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số và hợp tác quốc tế, vì đây đều là các vấn đề rất quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn ngành.  

Gian hàng giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học về lâm nghiệp

Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị, bên cạnh phiên họp toàn thể sẽ có phiên họp của các Tiểu ban khoa học công nghệ chuyên ngành, tại đây, các kết quả nghiên cứu nổi bật giai đoạn 2020 - 2023 của các đơn vị trong ngành lâm nghiệp sẽ được trình bày. Ngoài ra, còn có các hoạt động trưng bày giới thiệu các sản phẩm, kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khuyến nông… của các đơn vị, doanh nghiệp và lễ ký kết hợp tác giữa Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Yên Bái; Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam; Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Nội thất Thành Tâm.

Nguyễn Long

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!