Hội nghị toàn quốc về Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực thuỷ sản
Trong 2 ngày 18 - 19/10/2023, tại Bắc Ninh, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực thủy sản nhằm giới thiệu các công trình nghiên cứu mới, có triển vọng, tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả, có tính khả thi trong ứng dụng vào sản xuất. Từ đó góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị
Bà Đặng Thị Lụa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cho biết, ngành thủy sản đã và đang phát huy các lợi thế, khẳng định là một trong những ngành mũi nhọn, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của cả nước, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và trong khu vực, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong ổn định xã hội, bảo vệ an ninh và chủ quyền biển đảo. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận ngành thủy sản đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Giá cả nguyên vật liệu leo thang do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19; tác động của biến đổi khí hậu; thị trường bấp bênh và sự cạnh tranh khốc liệt trên trường quốc tế. Tuy nhiên, cùng với khó khăn cũng có nhiều cơ hội mở ra, đó là sự phát triển của ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số trong thủy sản và chế biến sản phẩm thủy sản, cũng như sự quan tâm của cộng đồng về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT chia sẻ, mặc dù, trong giai đoạn 2018 - 2022, ngành thủy sản đã đạt được nhiều thành tựu như xây dựng được 56 quy trình công nghệ nuôi, sản xuất giống, khai thác, bảo quản, chế biến sản phẩm được công nhận tiến bộ kỹ thuật. Chọn tạo được 23 giống cá, tôm tăng trưởng, tỷ lệ sống cao, chất lượng tốt. Nghiên cứu đưa ra các giải pháp giải quyết những vấn đề về dịch bệnh trên tôm, cá. Nghiên cứu, xây dựng được công thức thức ăn cho một số đối tượng nuôi như cá tra, tôm hùm, ốc hương, cá biển... Nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại trong việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thủy sản như: Nghiên cứu khoa học công nghệ còn nhỏ lẻ, phân mảnh, chưa gắn nhiều với thực tế sản xuất. Khối doanh nghiệp, tư nhân tham gia vào phát triển nghiên cứu khoa học còn ít. Nguồn nhân lực, năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học còn hạn chế. Tính tự chủ ở các đơn vị nghiên cứu chuyển giao công nghệ còn thấp, chưa có sự liên kết hợp tác với doanh nghiệp. Chưa khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực… Ông Nguyễn Hữu Ninh cũng đưa ra một số giải pháp và định hướng phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy sản thời gian tới như: Nghiên cứu các giống thủy sản sinh trưởng nhanh, chống chịu tốt môi trường. Nghiên cứu, phát triển công nghệ nuôi tiên tiến, tiết kiệm nước và thức ăn, giảm sử dụng kháng sinh. Nghiên cứu dịch tễ học bệnh thủy sản, sản xuất vacxin, sản phẩm thay thế kháng sinh. Tiếp tục nghiên cứu làm chủ công nghệ đối với sản phẩm cá da trơn, tôm nước lợ. Chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, tạo và phát triển giống thủy sản mang tính trạng cải tiến. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển công nghiệp sinh học trên nhóm sản phẩm thủy sản...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến tham quan gian hàng giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học về thuỷ sản
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hơn 70 năm qua mặc dù ngành thủy sản đã trải qua nhiều thời kỳ nhưng tất cả các thời kỳ đó đã cùng tạo dựng nên một ngành thủy sản lớn mạnh. “Tổng sản lượng thủy sản năm 2022 đạt hơn 9 triệu tấn; trong đó sản lượng khai thác đạt 3,8 triệu tấn, nuôi trồng hơn 5,2 triệu tấn. 9 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt gần 6,8 triệu tấn; trong đó sản lượng khai thác đạt hơn 3 triệu tấn, tăng 0,4%; sản lượng nuôi trồng đạt gần 3,8 triệu tấn, tăng 3,6%. Về xuất khẩu, đến hết tháng 9/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,67 tỉ USD, tất nhiên vẫn còn giảm nhưng bước sang tháng 10 đã khởi động tốt; đơn hàng đã tăng… Đạt được những kết quả khả quan như vậy, phải khẳng định có sự đóng góp rất lớn của khoa học công nghệ”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Khánh Quyên, Quỳnh Trang
-
2.
Phát triển ngành công nghiệp sinh học có giá trị cao, bền vững
-
3.
Khoa học công nghệ phải mang tính đột phá
-
4.
Tăng cường phối hợp hoạt động khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp
-
5.
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo về lúa gạo
-
6.
Hội nghị toàn quốc về Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực lâm nghiệp