ẢNH HƯỞNG CỦA LƯỢNG PHÂN BÓN HỮU CƠ VI SINH CON CÒ VÀNG ĐẾN NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG GIỐNG DIÊM MẠCH ATLAS TRỒNG TRÊN ĐẤT NÂU ĐỎ BAZAN VÀ ĐẤT XÁM TẠI TÂY NGUYÊN
DOI:
https://doi.org/10.71254/824za164Từ khóa:
Diêm mạch Atlas, Đắk Lắk, Đắk Nông, đất bazan, đất xám, năng suất, phân hữu cơ vi sinhTóm tắt
Mục đích nghiên cứu này nhằm xác định được lượng phân hữu cơ vi sinh Con Cò Vàng phù hợp nhất bón cho giống diêm mạch Atlas trồng trên đất nâu đỏ bazan và đất xám đạt năng suất tốt, hàm lượng protein tổng số cao, phù hợp với điều kiện sinh thái, đất đai của khu vực Tây Nguyên. Nghiên cứu được thực hiện với 6 công thức bón phân hữu cơ vi sinh và 1 công thức đối chứng cho giống diêm mạch Atlas trồng trong mùa khô năm 2024 với mật độ trồng 100.000 cây/ha (hàng cách hàng 50 cm, cây cách cây 20 cm). Kết quả nghiên cứu đã xác định được công thức bón phân hữu cơ vi sinh Con Cò Vàng (CT1- 2 tấn/ha/vụ) là tốt nhất trong các công thức thí nghiệm. Công thức bón phân này cho kết quả năng suất lý thuyết tốt nhất (đất đỏ bazan đạt 28,56 tạ/ha/vụ và đất xám đạt 22,19 tạ/ha/vụ) và năng suất thực thu cao nhất (đất đỏ bazan đạt 22,95 tạ/ha/vụ và đất xám đạt 17,50 tạ/ha/vụ). Hơn nữa, bón phân theo CT1 (2 tấn/ha/vụ) cho hàm lượng protein tổng số trong hạt cao nhất (21,68% trên đất đỏ bazan và 22,86% trên đất xám) và hàm lượng tinh bột khá cao (65,43% trên đất đỏ bazan và 63,07% trên đất xám).