ĐẶC TÍNH HÌNH THÁI VÀ HOÁ HỌC CỦA PHẪU DIỆN ĐẤT CANH TÁC BƯỞI DA XANH TẠI HUYỆN MỎ CÀY BẮC, TỈNH BẾN TRE
DOI:
https://doi.org/10.71254/9k1kxt35Từ khóa:
Bưởi da xanhư, đất phèn, hình thái đất, hóa học đấtTóm tắt
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu xác định hình thái và hóa học đất trồng bưởi da xanh tại huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Phân loại và mô tả đặc tính hình thái đất theo FAO (2006), WRB (2006) và bảng so màu Munsell. Thu mẫu đất theo tầng phát sinh đối với 3 phẫu diện đất trồng bưởi da xanh để phân tích đặc tính hóa học đất. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 3 phẫu diện đất canh tác bưởi da xanh thuộc đất phèn tiềm tàng sâu, với vật liệu sinh phèn xuất hiện ở độ sâu > 60 cm. Giá trị pHH2O và pHKCl tầng mặt của 3 phẫu diện lần lượt khoảng 3,22 - 6,43 và 2,71 - 4,66. Đồng thời, hàm lượng độc chất Al3+ và Fe2+ thấp, với giá trị là 0,501 - 3,07 meq Al3+ 100 g-1 và 0,507 - 1,51 mg kg-1, theo thứ tự. Hàm lượng đạm tổng số ở ngưỡng trung bình đến cao. Hàm lượng đạm hữu dụng và lân dễ tiêu trong đất đạt giá trị lần lượt là 24,5 - 50,4 mg NH4+ kg-1, 4,95 - 367,7 mg P2O5 kg-1. Tuy nhiên, hàm lượng Al-P, Fe-P và Ca-P cao ở tầng đất mặt, với giá trị tương ứng 241,3 - 249,3; 431,3 - 504,7; 90,4 - 203,1 mg kg-1. Ngoài ra, hàm lượng chất hữu cơ được đánh giá ở ngưỡng thấp đến trung bình, trong khi khả năng trao đổi cations được ghi nhận ở mức thấp. Vì vậy, đất canh tác bưởi da xanh tại huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre có độ phì nhiêu thấp.