Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Xây dựng thị trường các bon rừng tại Việt Nam

Thứ Hai, 00:00 ngày 26/12/2022

Nhằm chia sẻ thông tin và thảo luận thúc đẩy hợp tác trong việc xây dựng thị trường các bon rừng, vừa qua Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) tổ chức hội thảo "Thị trường các bon rừng: Kết quả sau COP27 và lộ trình xây dựng thị trường các bon rừng tại Việt Nam".

Toàn cảnh hội thảo

Nhằm chia sẻ thông tin và thảo luận thúc đẩy hợp tác trong việc xây dựng thị trường các bon rừng, vừa qua Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) tổ chức hội thảo "Thị trường các bon rừng: Kết quả sau COP27 và lộ trình xây dựng thị trường các bon rừng tại Việt Nam".

Thực tế, ngành lâm nghiệp với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, quỹ đối tác các bon trong lâm nghiệp đã ký thỏa thuận chuyển nhượng 10,3 triệu tấn các bon với giá là 5 USD/ tấn nhằm hỗ trợ cho các cộng đồng, các chủ rừng, người dân để họ có thể tăng thêm nguồn lực, bảo vệ, phát triển rừng ở khu vực Bắc Trung bộ. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ký thỏa thuận với tổ chức EMERGENT để tiến hành đàm phán chuyển nhượng kết quả giảm phát thải ở vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Hiện tại, ngành lâm nghiệp đã tham mưu để sửa đổi Nghị định 156/2018/NĐ - CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp, trong đó bổ sung quy định về các hoạt động mua, bán, xây dựng đề án, cơ quan thẩm định, xét duyệt đo đếm, kiểm định và mẫu báo cáo. Đây là những khung pháp lý rất quan trọng để hình thành một thị trường các bon rừng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết: Hiện nay các hình thức mua bán, trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ các bon trên thế giới rất đa dạng. Tại Việt Nam, các hoạt động về tín chỉ các bon đa phần vẫn là tự nguyện nên kinh phí thu được từ rừng sẽ theo cơ chế chia sẻ cho các nhóm đối tượng đang được giao quản lý rừng. Đối với những công ty mua bán theo đơn giá thị trường thì sẽ đàm phán cụ thể để đảm bảo bồi hoàn lại những giá trị đầu tư của người trồng rừng hoặc đầu tư của ngân sách nhà nước đã hỗ trợ".

Theo các đại biểu, ngành lâm nghiệp không chỉ đóng góp quan trọng để thực hiện các cam kết mà còn là nguồn tài chính có tiềm năng thông qua thương mại các bon rừng. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới, công tác bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi nguồn tài chính thiếu ổn định và chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thực tế của ngành. Hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn tài chính bền vững cho ngành lâm nghiệp luôn được coi là ưu tiên hàng đầu trong các chính sách biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Thu Uyên

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!