Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Liên kết chuỗi giá trị trong trồng và chế biến rong biển

Chủ Nhật, 10:20 ngày 27/10/2024

Ngày 25/10/2024, tại Hà Nội, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (Hội Thủy sản Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Khép kín chuỗi rong biển giá trị cao”.

Quang cảnh Hội thảo

Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững Đinh Xuân Lập cho biết, nghề trồng rong biển của Việt Nam đã có từ lâu và được trồng nhiều trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Năm 2023, diện tích rong biển của Việt Nam đạt 16.500 ha, với sản lượng 150.000 tấn. Rong biển được nuôi trồng nhiều ở vùng biển như Hải Phòng, Quảng Ninh, tiếp đến là Nam Trung bộ… Tuy nhiên, việc nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rong biển vẫn theo hình thức tự phát và chưa hình thành liên kết chuỗi. Do vậy, giá rong biển nguyên liệu còn thấp và bấp bênh, người dân ven biển cũng chưa mặn mà với nghề trồng rong biển. 
Cũng theo ông Đinh Xuân Lập, việc hợp tác cần khép kín liên kết chuỗi từ cây giống, vùng trồng, sản xuất, thương mại, tiêu thụ… với rong biển là rất cần thiết, vì đây là ngành hàng còn nhiều dư địa để phát triển. Việc liên kết theo chuỗi trong sản xuất rong biển nhằm thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm để chia sẻ giá trị, tạo động lực để người dân sẵn sàng trồng rong. Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chiết để lấy được dưỡng chất quý của rong, cũng như khắc phục điểm yếu về mùi tanh của rong. 
Vừa qua, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững đã phối hợp cùng Công ty TNHH JapiFoods thúc đẩy chương trình “Blue Ocean – Blue Foods” hướng tới xây dựng bể chứa các bon ngành thuỷ sản. Mục tiêu của chương trình là trong 3 năm tới có thể hỗ trợ người dân ven biển trồng được khoảng 1.000 ha rong biển…
Tại buổi bội thảo, bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn STP chia sẻ, doanh nghiệp đã mạnh dạn đưa rong biển ra miền Bắc nuôi trồng khoảng 4 năm nay. Hiện, doanh nghiệp chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho các công ty trong nước. Qua việc hợp tác này, công ty mong muốn tìm kiếm các đơn vị như JapiFoods để tạo giá trị cao hơn cho rong biển Việt Nam, đặc biệt là sẽ tăng thu nhập cho người trồng rong biển khi tham gia chuỗi giá trị này. Cùng với đó là từng bước phát triển ngành công nghiệp chế biến rong với sản phẩm giá trị gia tăng cao
Phó Tổng thư ký Hội Thủy sản Việt Nam Dương Long Trì cho rằng, nếu chúng ta tận dụng tốt cơ hội, có định hướng rõ ràng thì rong biển Việt Nam sẽ rất phát triển. Ông Dương Long Trì cũng kỳ vọng, thông qua chương trình “Blue Ocean - Blue Foods”, cũng như sự hợp tác khởi đầu của các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết rong biển, ngư dân vùng biển sẽ có cơ hội chuyển đổi nghề hiệu quả và bền vững.

                                                                                       Tam Hưng
 

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!