Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Tháp

Thứ Hai, 10:34 ngày 20/11/2023

Ngày 19/11/2023, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức buổi Tọa đàm “Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương Đồng Tháp”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cùng lãnh đạo các sở ngành tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, đại diện 145 hội quán trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tham dự.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi Tọa đàm

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, người khởi xướng mô hình Hội quán nông dân chia sẻ, mô hình hội quán là cuộc cách mạng vì đã làm thay đổi rất lớn giữa cách sống, cách nghĩ, cách làm của nông dân vào một tổ chức, một thiết chế cộng đồng. Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ quan tâm nhiều hơn đến những thiết chế cộng đồng, đầu tiên là cộng đồng đồng quản lý các nguồn lợi thủy sản, quản lý rừng, rồi đến mã vùng trồng, mã vùng nuôi…, tất cả đều chuyển về cho cộng đồng quản lý.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chỉ có bà con ngồi lại với nhau mới hiểu được cốt lõi vấn đề, những người lãnh đạo, quản lý chuyên môn cũng không đủ thời gian và tâm thế tiếp cận những vấn đề trong nền nông nghiệp nhỏ lẻ manh mún. Bình quân diện tích sản xuất chỉ 0,26 ha/người là quá nhỏ để chúng ta mưu cầu chuyện lớn, muốn vươn ra biển lớn, chúng ta phải tập hợp những con người lại với nhau.

“Hội quán là tập hợp cộng đồng không chỉ làm lợi ích kinh tế, quan trọng là không gian cộng đồng để chúng ta cùng sống hạnh phúc bên nhau. Đời sống tinh thần, không gian, sự hài hòa từ trong ngôi nhà đến làng xóm, ra cộng đồng mới quan trọng. Đó mới là mục tiêu cuối cùng của hội quán”, Bộ trưởng chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định, mô hình hội quán đã phát huy tối đa hiệu quả để tập hợp bà con nông dân, ngồi lại với nhau để cùng thay đổi tư duy, thay đổi cách làm ăn từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang hợp tác cùng nhau và liên kết với doanh nghiệp để hình thành vùng sản xuất quy mô lớn.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá: 145 hội quán là một tài sản quý và cần được giữ gìn phát huy. Tỉnh Đồng Tháp sử dụng tài sản quý này để tiếp cận, thu hút thêm nhiều nguồn lực quốc tế về cho địa phương. Bởi tất cả các chương trình quốc tế đều hướng về nông dân, những người yếu thế. Các hội quán hãy mở rộng cửa đón các bạn trẻ vào để có một thế hệ kế cận trong thời gian sắp tới.

Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN cho biết: "Chúng tôi sẽ cùng tỉnh Đồng Tháp xây dựng một mô hình chuỗi giá trị khép kín, trong đó cung cấp cho bà con các giải pháp nông nghiệp bền vững, đầu vào là nguồn giống chất lượng, quy trình canh tác tiêu chuẩn, đến các giải pháp phòng trừ sâu, bệnh, kiểm soát dịch hại. Sau đó là gắn liền với việc bao tiêu và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản cuối cùng. Các giải pháp hướng đến việc tiết giảm chi phí đầu vào trong khi tăng năng suất và chất lượng tối đa, từ đó chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt được 2 mục tiêu quan trọng là giảm phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là nâng cao thu nhập cho bà con”.

Ước tính đến cuối năm 2023, tỉnh Đồng Tháp có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới 36 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và dự kiến sẽ có 8 đơn vị cấp huyện hoàn thành và đạt chuẩn nông thôn mới, về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Tỉnh cũng có 357 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao. Kết quả này là nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân, trong đó có vai trò của hội quán - một thiết chế cộng đồng với mô hình tự nguyện, tự quản.

Trường Minh (t/h)

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!