Giải pháp tài chính, tín dụng thúc đẩy “Tam nông” phát triển nhanh và bền vững
Sáng ngày 9/10/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp tài chính, tín dụng thúc đẩy “Tam nông” phát triển nhanh và bền vững”. Hội thảo có sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ NHNN, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các chuyên gia kinh tế, tài chính…
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Ngân hàng Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết, nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Tam nông) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Đây là vấn đề chiến lược luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn, xuyên suốt qua từng giai đoạn. Bám sát các chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong những năm qua, ngành Ngân hàng luôn xác định “Tam nông” là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng. Do đó, đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tăng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực này.
Cụ thể, NHNN đã thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện mở rộng tín dụng và khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của các tổ chức, cá nhân trong mọi lĩnh vực ngành, nghề, trong đó có lĩnh vực “Tam nông”. Đồng thời, NHNN đã tích cực sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng để tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, như quy định chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng Việt Nam đồng thấp hơn (đến đầu năm 2024 là 4%/năm) đối với các lĩnh vực ưu tiên, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, hiện nay, cả nước đã có trên 90 TCTD và gần 1.100 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, với mạng lưới mở rộng, phủ khắp đến vùng sâu, vùng xa để giúp người dân tại các vùng kinh tế khó khăn tiếp cận được nguồn vốn vay và dịch vụ ngân hàng.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Hà Thu Giang chia sẻ, NHNN đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP phù hợp hơn với yêu cầu đặt ra về tái cơ cấu/cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong tình hình mới.
Qua gần 10 năm triển khai, kết quả đầu tư tín dụng của hệ thống ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu được đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ. Thông qua việc bảo đảm đáp ứng được các nhu cầu sản xuất nông nghiệp từ sản xuất đến thu mua chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm đến nhu cầu tiêu dùng của người dân ở nông thôn, góp phần tích cực hỗ trợ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp, gia tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao vị thế trên thị trường thế giới.
Hiện nay, tín dụng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn chiếm 25% tổng vốn tín dụng của toàn nền kinh tế; tăng gấp gần 4 lần sau 9 năm Nghị định 55 được ban hành. Với dư nợ doanh nghiệp khoảng 31,5%; dư nợ cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh khoảng 68,3%; dư nợ hợp tác xã và đối tượng khác khoảng 0,25%.
Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank thông tin, vốn tín dụng Agribank đã phủ kín đến 100% số xã trên cả nước, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạch những kết quả tích cực các đại biểu tham dự hội thảo cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực “Tam nông” như: Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều yếu kém, tiếp tục là thách thức lớn để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong quá trình phát triển, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc; chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Mặt khác, phần lớn nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, còn thiếu liên kết trong các khâu sản xuất…
Để hỗ trợ triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, cần các giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, như chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp, vấn đề đất đai trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết nông nghiệp bền vững... Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Bảo Nhi
-
2.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, phổ biến giáo dục pháp luật
-
3.
Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X năm 2024: Hoa Đà Lạt - Bản giao hưởng sắc màu
-
4.
Ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu ở nông thôn Việt Nam
-
5.
Liên kết chuỗi giá trị trong trồng và chế biến rong biển
-
6.
Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị tập huấn công tác tổ chức cán bộ