Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Công bố Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ Tư, 15:10 ngày 09/10/2024

Sáng ngày 9/10/2024, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị Công bố Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách khuyến khích sản xuất, đưa ngành lâm nghiệp phát triển bền vững

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, ngày 24/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 895/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lâm nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội; phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của rừng để phát triển bền vững; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 25 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030. Cụ thể, đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42% đến 43%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên hiện có. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5,0% đến 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025 và 25 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030; giá trị tiêu thụ đồ gỗ và lâm sản trong nước đạt 5 tỷ đô la Mỹ (quy đổi) vào năm 2025, 6 tỷ đô la Mỹ (quy đổi) vào năm 2030.
Đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng 1,5 lần, đến năm 2030 tăng 2 lần so với năm 2020. Đến 2030, 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học và đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng, giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Theo định hướng quy hoạch lâm nghiệp toàn quốc đến năm 2030, về phát triển rừng: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chọn tạo giống mới có năng suất, chất lượng cao, giống cây bản địa mọc nhanh có năng suất, chất lượng phục vụ phát triển rừng sản xuất, rừng gỗ lớn. Đảm bảo cung cấp bình quân 575 triệu cây/năm. Giai đoạn 2021 - 2025, trồng 1.178,4 nghìn ha, bình quân 235,7 nghìn ha/năm (trồng mới 178,4 nghìn ha, bình quân 35,7 nghìn ha/năm); giai đoạn 2026 - 2030, trồng 1.288,8 nghìn ha, bình quân 257,8 nghìn ha/năm (trồng mới là 88,8 nghìn ha, bình quân 17,8 nghìn ha/năm). Diện tích trồng rừng gỗ lớn đến năm 2030 dự kiến đạt 1,0 triệu ha. Đến năm 2025, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt khoảng 500 nghìn ha và sẽ đạt khoảng 1 triệu ha vào năm 2030.

Rừng ngập mặn Rú Chá, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế trong hệ thống đầm phá lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tổng kết, báo cáo, đánh giá tình hình triển khai quy hoạch khi kết thúc từng giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030. Đồng thời, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu để điều chỉnh quy hoạch phù hợp với thực tiễn trong từng thời kỳ.
“Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hạn chế tối đa việc điều chỉnh, đưa ra ngoài quy hoạch đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bởi rừng đang là lợi thế của Việt Nam, không chỉ tạo ra sinh kế cho người dân, mà còn giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên. Việc thống kê đầy đủ diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất nhằm chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đầu vào, từ đó ban hành các chính sách khuyến khích sản xuất, đưa ngành lâm nghiệp phát triển bền vững…”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

TV
 

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!