Hà Nội trên đường về đích xây dựng nông thôn mới
Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) Hà Nội, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, đến tháng 8/2024 Hà Nội đã có 12/33 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch của cả giai đoạn 2021-2025; dự kiến đến hết năm 2024 có thêm 14 chỉ tiêu hoàn thành và cơ bản hoàn thành.
Xã Thượng Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội
Hiện tại, toàn bộ 382/382 xã của thành phố đã đạt chuẩn NTM, 188 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (vượt chỉ tiêu Chương trình số 04-CTr/TU đề ra) và 76 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (theo kế hoạch của thành phố, năm 2024 có thêm ít nhất 35 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, như vậy, đến cuối năm 2024 số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu sẽ vượt chỉ tiêu của chương trình đặt ra là 80 xã). Các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức đã hoàn thiện hồ sơ huyện NTM nâng cao trình Bộ Nông nghiệp và PTNT, phấn đấu trong quý 3/2024 được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Đan Phượng cũng đang hoàn thiện hồ sơ huyện NTM nâng cao.
Chánh văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí chia sẻ, để được công nhận hoàn thành xây dựng NTM cấp thành phố, Hà Nội cần thực hiện 8 chỉ tiêu. Hiện nay, các chỉ tiêu này đều được thành phố thực hiện hoàn thành và cơ bản hoàn thành. Hà Nội có 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; hơn 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được HĐND thành phố thông qua; đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn tối thiểu là 4 m2/người; có ít nhất 70% số km đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn được trồng cây xanh dọc tuyến đường; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý (chỉ số SIPAS) đạt theo quy định…
100% đường làng, ngõ xóm ở xã Hồng Dương được bê tông hóa (Thanh Oai, Hà Nội)
Hiện, thành phố chỉ còn chỉ tiêu có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, đang chờ được Trung ương đánh giá, công nhận. Với kết quả đạt được, Hà Nội đang nỗ lực cao độ để được Trung ương công nhận hoàn thành xây dựng NTM cấp thành phố nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), hoàn thành trước một năm so với mục tiêu đề ra.
Trong hơn 3 năm thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU (từ năm 2021 đến nay), thành phố đã huy động được 83.087 tỷ đồng để hiện thực hóa các mục tiêu. Thành phố cũng có các chương trình hỗ trợ triển khai thực hiện như: Chương trình đầu tư 3 lĩnh vực: Giáo dục - y tế - văn hóa, với tổng kinh phí 49.203 tỷ đồng; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hỗ trợ 13 xã dân tộc với tổng kinh phí là 2.664 tỷ đồng. Ngoài ra, đối với từng sở, ngành đều có các dự án đầu tư trên địa bàn các xã. Bên cạnh đó, trong 3 năm qua, có 10 quận của thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí lên tới 917 tỷ đồng. Cùng với vốn đầu tư từ ngân sách thành phố, các địa phương cũng đã huy động được nguồn kinh phí lớn từ xã hội hóa dành cho xây dựng NTM. Nhờ đó, nông thôn Hà Nội đã có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hài hòa với sự phát triển đô thị...
Theo ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, dù đã đạt những kết quả khả quan, song việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Hà Nội vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế, trong đó có 20 chỉ tiêu mà thành phố cần tiếp tục phấn đấu. Cụ thể, đối với chỉ tiêu tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) được công nhận đạt chuẩn quốc gia còn thời hạn ở khu vực nông thôn: Mục tiêu đặt ra là 85%, đến hết năm 2023 mới đạt 81%; làng nghề, làng có nghề được công nhận: Mục tiêu là 50 làng nghề, đến hết năm 2023 mới có 24 làng nghề; hợp tác xã hoạt động hiệu quả: Mục tiêu là 80%, đến hết năm 2023 mới đạt 65%... Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn còn hạn chế. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, nhất là chế biến sâu. Việc phát triển nghề và làng nghề vẫn còn phân tán...
Đối với xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy đã chỉ đạo tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện NTM nâng cao, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã cần chủ động cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện, cấp xã và huy động các nguồn khác trên địa bàn để triển khai thực hiện, bảo đảm mục tiêu đề ra. Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành chủ trì, phối hợp, phụ trách từng tiêu chí triển khai các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu…
Toàn cảnh xã NTM Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội)
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Đại, nông thôn Hà Nội có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, đòi hỏi các địa phương xây dựng NTM phải song hành với phát triển đô thị và phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn. Quan điểm chỉ đạo của thành phố đối với các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, là tiếp tục duy trì, giữ vững danh hiệu đã đạt được; đồng thời không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí để hướng tới mục tiêu cao hơn là xây dựng nông thôn thông minh.
TV
-
2.
Trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2024
-
3.
Quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
-
4.
Cả nước có 5 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
-
5.
Hợp tác xã Hoàng Thức: Mô hình nông nghiệp đa giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới