Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ISSN 2815-6153

Khoa học phải phục vụ sản xuất

Thứ Sáu, 17:08 ngày 07/07/2023

Sáng ngày 7/7, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Thuỷ cho biết: Năm 2023 là năm thực hiện triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 296/QĐ-BNN-KHCN ngày 16/01/2023) và Kế hoạch thực hiện Chiến lược (Quyết định số 948/QĐ-BNN-KHCN ngày 16/3/2023). Ngày 29/6/2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 2617/QĐ-BNN-KHCN về phê duyệt nội dung và kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp Bộ bắt đầu thực hiện từ năm 2024. Các nội dung, nhiệm vụ khoa học, công nghệ và môi trường cần phải thực hiện bám sát theo Chiến lược và Kế hoạch ban hành.

Theo báo cáo của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tính đến tháng 6/2023 các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện 349 nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, tập trung vào giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chất lượng cao, công nghệ chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, bảo tồn, phục tráng nguồn gen phục vụ phát triển giống cây, con đặc sản địa phương; bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp. Nghiệm thu 55 nhiệm vụ KH&CN, trong đó: 44 đề tài; 5 dự án sản xuất thử nghiệm; 6 nhiệm vụ môi trường. Từ kết quả nghiên cứu đã công nhận, ban hành được 61 giống mới, 42 tiến bộ kỹ thuật, 19 quy trình công nghệ, 12 sổ tay hướng dẫn kỹ thuật, 23 sách chuyên khảo được xuất bản, hơn 1.100 bài báo được đăng trên các tạp chí trong nước và ngoài nước,... các pháp hữu ích, giống mới, vacxin, chế phẩm mới, các bản vẽ, thiết kế mới.

Đối với lĩnh vực khuyến nông, 6 tháng đầu năm 2023 đã triển khai đảm bảo tiến độ và mùa vụ, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất... nâng cao giá trị gia tăng và giảm tối đa chi phí sử dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giảm chi phí đầu tư cho sản xuất. Gắn nội dung thực hiện dự án khuyến nông với xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất mới như: Gắn với hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng, liên kết sản xuất giữa hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân.

Mô hình tổ chức sản xuất liên kết giữa các Hợp tác xã sản xuất chè ở xã Tân Cương,  huyện Đại Từ, Thái Nguyên

Mô hình tổ chức sản xuất liên kết giữa các Hợp tác xã sản xuất chè ở xã Tân Cương, huyện Đại Từ, Thái Nguyên

Về công tác xây dựng Tiêu chuẩn Quốc gia, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, tính đến tháng 6/2023 đã có 40 TCVN được thẩm định, cấp số hiệu (Trồng trọt: 03; bảo vệ thực vật: 10; thú y: 04; nông sản thực phẩm: 8; thủy lợi, phòng chống thiên tai: 15)…

Tại Hội nghị, phát biểu của đại diện các đơn vị đều có chung ý kiến về thực hiện cơ chế phối hợp và việc xử lý sau nghiệm thu nhiều nội dung chưa thống nhất, thiếu một số quy trình theo quy định, đặc biệt là hoàn thiện hồ sơ công nhận kết quả, thủ tục thanh lý hợp đồng các nhiệm vụ KH &CN. Cùng đó là yêu cầu đặt ra đối với các Viện đầu ngành cần có chiến lược duy trì, đào tạo lớp cán bộ chuyên ngành kế cận.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đã chia sẻ những khó khăn, bất cập đối với lĩnh vực khoa học công nghệ của ngành, ghi nhận những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh tình hình khó khăn chung của trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng yêu cầu Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng các Cục, Vụ chức năng, khối Viện, Trường và các đơn vị liên quan xác định rõ khoa học là động lực then chốt, cụ thể hoá chiến lược, cần phải bám sát 5 nội dung chính gồm phát triển công nghệ sản xuất giống; các biện pháp kỹ thuật; công nghệ bảo quản chế biến; quản lý môi trường; tiêu chuẩn kỹ thuật. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Thị trường khoa học ngày càng phát triển nhanh, liên tục, nếu cứ loay hoay mãi nghiên cứu cơ bản mà không có tính ứng dụng thực tế thì không thực chất. Đề tài khoa học phải được đưa ra thực tiễn trở thành sản xuất hàng hoá.

Theo PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) 6 tháng đầu năm Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thực hiện 552 nhiệm vụ nghiên cứu. Để giải quyết bài toán khó khăn về kinh phí dành cho công tác nghiên cứu khoa học, cũng như giữ chân các nhà khoa học trẻ, Viện triển khai đồng bộ hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài…Song song đó, Viện bước đầu thực hiện ký kết hợp đồng thu tác quyền trong nghiên cứu khoa học đối với những công trình nghiên cứu…

P. Uyên

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!