Ảnh hưởng của tuổi liếp đến sự thay đổi một số tính chất độ phì nhiêu của đất trồng sầu riêng ở đồng bằng sông Cửu Long
DOI:
https://doi.org/10.71254/ggjv1v13Từ khóa:
Hóa học đất, phẫu diện đất, sầu riêng, tuổi liếpTóm tắt
Mục tiêu nghiên cứu là đánh giá sự thay đổi về hình thái và đặc tính hóa học của đất ở các độ tuổi liếp trồng sầu riêng khác nhau. Nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2023. Ba độ tuổi liếp (12, 20, 31 năm) trồng sầu riêng đại diện cho vùng đồng bằng sông Cửu Long được khảo sát. Sau khi phân tầng và mô tả hình thái của phẫu diện đất, các tính chất hóa học như: pH, EC, chất hữu cơ, lân hữu dụng, đạm tổng số và cation trao đổi trong đất đã được phân tích và so sánh. Kết quả cho thấy, trong 3 phẫu diện đất trồng sầu riêng đất được chia thành 4 tầng chính: A, Ap, Bg, Cr ở độ sâu từ 0 - 2 m. Tuổi liếp càng cao (31 năm) có xu hướng suy giảm hàm lượng chất hữu cơ, CEC, đạm tổng số, lân hữu dụng, Ca và Mg trao đổi ở tầng đất canh tác (0 − 30 cm), dẫn đến gia tăng độ chua của đất (pH). Đối với tầng đất bên dưới (Ap, Bg, Cr), chưa có sự khác biệt về các đặc tính hóa học đất giữa các độ tuổi liếp khảo sát. Để giảm sự suy giảm về hàm lượng chất dinh dưỡng và hữu cơ trên tầng đất canh tác, nông dân trồng cây ăn trái nói chung và cây sầu riêng nói riêng nên bổ sung thêm phân hữu cơ và vôi. Ngoài ra, sự che phủ mặt liếp bằng cỏ dại, cây họ Đậu, hoặc rơm rạ cũng được xem là các biện pháp tối ưu để giảm sự rửa trôi các cation trao đổi và dinh dưỡng của đất do nước mưa hoặc nước tưới.